NGỌNG: Thông tin bổ sung

Đây là phản hồi cầu cứu của một bạn (chưa từng học NGỌNG) học MBA ở Mỹ.

Em vừa sang Mỹ được khoảng 1 tháng, có 1 vấn đề mà em thực sự thấy căng thẳng đấy là ngôn ngữ của mình. Em sang bên này, nghe các bạn tranh luận mà em chẳng hiểu gì cả, vì không hiểu nên nhiều khi cũng không nói được... Nhiều khi trên lớp, em thấy các bạn Tây hay nói jokes, họ đùa, cười phá lên mà em chẳng thể cười, lúc đó thấy tủi vô cùng. Anh có thể share cho em kinh nghiệm... để catch up được với các bạn được không ạ.

Kinh nghiệm của các bạn nói trên phản ánh một sai lầm mà nhiều sinh viên Việt Nam (nhất là các bạn thuộc chuyên ngành kỹ thuật) mắc phải: đầu tư hầu hết thời gian vào việc cày cuốc từ vựng để vượt qua những kỳ thi khó và quên mất rằng ngôn ngữ nói cũng rất quan trọng. 

Rồi sau khi đã khổ ải giành được học bổng, nghĩ rằng mình đã chắc chân và cũng đã có một điểm TOEFL/IELTS khá tươm rồi thì sang bên kia còn lo gì nữa. Sang rồi mới thấy nghe khi đi thi (vốn đã được chuẩn hóa nhiều, nói chậm và chuẩn) chưa thấm vào đâu với nghe thực tế. 

Thêm nữa, khi mình mở miệng nói (dù có thể người Việt và các giám khảo chấm thi IELTS ở Việt Nam, vốn đã quen nghe accent của người Việt, đều hiểu), các bạn bản xứ khác, những người hiếm khi tiếp xúc với người Việt, đều cười và gật gù, nhưng chẳng ai hiểu gì cả. NGỌNG được thiết kế chính là để giúp các bạn tránh cú sốc này.

Phản hồi khác về nghe thực tế vs. nghe khi đi thi của một bạn du học sinh Úc
(đã đạt 9.0 phần Listening sau khi học NGỌNG)

Tuy nhiên, tôi lại không khuyên bạn học NGỌNG sau cùng (i.e., sau khi bạn đã chắc chắn sẽ... đi) vì một lý do quan trọng: kỹ năng listening cần thời gian build up chứ không hẳn là thông minh + chăm nhồi.

NGỌNG trước đây được coi là một lớp khá nhẹ nhàng. Nhưng dần theo thời gian, khối lượng bài tập về nhà ngày càng nhiều: nghe lại audio trong lớp, rồi đọc và làm bài nghe cho show tiếp theo, rồi thực hiện bài Review tổng thể, rồi gần đây nhất là bài nghe idiom summary v.v... khiến lớp này đã trở thành nặng không thua gì hai lớp kia. Nhưng nếu bạn thực sự enjoy lớp và làm tất cả bài tập giáo viên giao thì tôi tin là khả năng "bắt âm" của bạn sẽ có tiến bộ rõ rệt (dù có thể chưa đủ) vào cuối khóa học.

Một số bạn sau khi học xong NGỌNG yêu cầu xin học lại. Đây là điều tôi không khuyến khích. NGỌNG được thiết kế như một lớp "tạo đà," tạo cho bạn thói quen, động lực và phương pháp học đúng đắn. Nó chỉ cho bạn con đường đi để bạn có thể tự mình bước tiếp mà không cần thêm trợ giúp của giáo viên. 

Cứ tiếp tục cái đà mà lớp đã tạo ra, theo dõi thường xuyên các show mình yêu thích, duy trì thói quen nghe có chọn lọc và tập trung vào phần idiom đã được luyện kỹ trong lớp, bạn sẽ thấy khả năng nghe của mình sau một năm nữa (i.e. thời điểm chim bay đi Tây...) đã vượt quá sự mong đợi của chính mình. Điểm nghe từ 8.0 trở lên và thậm chí 9.0 IELTS không còn là điều gì mới mẻ đối với học viên NGỌNG.

Một bạṇ̣ từ xuất phát điểm gần như không nghe được gì khi mới vào Ngọng
đã đạt 8.5 phần IELTS Listening trong vòng 1 năm


Với kỹ năng nói, NGỌNG có chung nhược điểm với tất cả các lớp khác của tôi: số lượng học viên trong lớp đông nên giáo viên không thể chú ý tới sửa phát âm cho từng người, và cách dạy của tôi, vì thế, cũng được thay đổi để tăng hiệu quả tiếp thu. 

Thay vì nhắm vào mục tiêu lý tưởng: phát âm chuẩn xác như người bản xứ, điều ko tưởng với đa số các bạn (và với bản thân tôi), tôi hướng dẫn cho các bạn phương pháp tự luyện để nói tiếng Anh sao cho người ta HIỂU. 

Các bạn cần nhận thức được khi nói tiếng Anh nên chú ý tới những yếu tố gì để giao tiếp thực tế hiệu quả nhất (liên hệ với tiếng Việt: người các tỉnh khác khi lên Hà Nội đều có thể coi là "phát âm ko chuẩn" nhưng tại sao chúng ta vẫn hiểu nhau? Yếu tố gì đóng vai trò quan trọng ở đây?). 

Lớp còn chú trọng thêm đến self-correction và việc tác động vào não bộ để các bạn có thể tự sửa hiệu quả những sai lầm phát âm trước đây của bản thân mình.

Kết thúc NGỌNG, trong thời gian bạn tiếp tục build up những gì đã học, bạn không cần dành quá nhiều thời gian cho nó như khi đang học, không cần phải học thêm bất kỳ lớp nghe nào nữa, và có thể tập trung nhiều hơn vào các kỹ năng khác. Áp dụng phương pháp trong lớp không chỉ hoàn thiện khả năng nghe, mà nó cũng giúp ngôn ngữ nói của bạn linh hoạt và tự nhiên hơn giai đoạn "nói mà như viết" trước đây rất nhiều.

Nhiều khi cứ phải mơi để học viên tự khai về hiệu quả của lớp...

Một điều đáng buồn là trong 3 lớp, NGỌNG có lẽ là lớp bị coi nhẹ nhất. Kết luận này dựa trên phản hồi của các bạn và quan sát thực tế lớp. Một số bạn đi học rất đủ ở TẠP và THIỂU nhưng đến NGỌNG thì lơi lỏng hẳn, rồi đi học buổi đực buổi cái. Có nhiều lý do.

1. Có thể vì bạn không hứng thú với những materials được sử dụng trong lớp. This is mostly my problem and I'm working on it.

2. Có thể bạn cho rằng sĩ số của lớp đông, ít cơ hội được nói, dẫn tới học giao tiếp không hiệu quả. Có lẽ chúng ta nên bàn một chút về cái gọi là “học giao tiếp.”

Bình thường, tâm lý học viên khi đi học giao tiếp là được nói càng nhiều càng tốt trong lớp vì nó cho họ cảm giác đang được sử dụng tiếng, được luyện phản xạ nói. Nhưng trừ khi họ được đối thoại trực tiếp một-một hoặc với một nhóm nhỏ giáo viên, trợ giảng, và/hoặc người bản xứ, những đối tượng họ có thể học hỏi được về phát âm và cách sử dụng từ, thực tế mô hình dạy giao tiếp phổ biến ở Việt Nam có khá nhiều bất cập.

Trong phần lớn thời gian là học viên phải nói chuyện với nhau (paired or group discussion), nghĩa là: mình trả tiền để.... "được" nói chuyện với những người có mặt bằng tiếng na ná mình - một hoạt động các bạn có thể thực hiện miễn phí ở nhiều dịp khác. 

Thêm nữa dù bạn có nói nhiều đến mấy, nó vẫn chỉ giới hạn trong 1-2h ở lớp, vừa ko thấm tháp gì, vừa lãng phí class time quý báu mà giáo viên có thể tận dụng để truyền đạt cho bạn nguyên tắc cơ bản của nói tiếng Anh, phương pháp tự luyện, cách tăng khả năng bắt âm, các cấu trúc nói cần thiết, và những sai lầm học viên thường mắc khi thực hành tiếng v.v... 

Chưa kể việc ai cũng ra sức nói khiến lớp (chỉ cần tầm 10-15 người trở lên) thành như một cái chợ trong giờ speaking, và nhiều bạn phải nói rất to just to make yourself heard, đi ngược lại nguyên tắc kiểm soát giọng và giữ được cái musical inflection đặc trưng của tiếng Anh.

Ra khỏi lớp, bạn sẽ có nhiều cơ hội thực hành (vừa nhiều hơn về thời lượng, vừa chất hơn về tính thực tiễn) khi có thể "bung" kiến thức học được ra lúc cafe chém gió, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, dẫn tour tình nguyện cho người nước ngoài v.v... 

Một trong những nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo động lực để học viên có cảm hứng thực hành tiếng và tham gia các hoạt động ngoại khóa kiểu này. Chính học viên trong lớp cũng có thể tự tạo động lực bằng cách hẹn hò theo nhóm, tự sinh mấy cái drama nội bộ để cãi cọ, yêu thương, hờn giận... một cách rất... Tây. Tất nhiên những hoạt động trên có thể không có nhiều giá trị ở khía cạnh sửa lỗi, nhưng ít nhất bạn có cơ hội thực hành, cọ xát, thêm phản xạ cũng như sự tự tin khi nói mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

Từ quan điểm như thế, học NÓI sẽ hiệu quả hơn khi mình ngồi và lắng NGHE cái đã...


3. Có thể vì mục tiêu của bạn là để vượt qua các kỳ thi chuẩn tập trung vào academic English và cảm giác bài nghe trong lớp thiên về xã hội nhiều quá. Tuy nhiên, việc hoàn thiện khả năng bắt âm/phát âm không phụ thuộc nhiều vào tính chất của đề tài (mà phụ thuộc nhiều hơn vào mức độ hứng thú của bạn với đề tài).

Tôi cũng đưa vào phần sau của lớp một số academic show đặc trưng để các bạn hình dung sự khác biệt về tiết tấu, cách dùng ngôn từ của ngôn ngữ nói khoa học vs. ngôn ngữ nói đời thường. Nếu bạn cần bổ sung vốn từ academic để giúp cho việc nghe hiểu khi đi thi thì đây là nhiệm vụ của TẠP.


4. Có thể vì bạn thấy kiến thức học được không cao siêu như THIỂU hoặc không dồi dào như TẠP. Lý do là lớp được thiết kế với một mục đích khác so với hai lớp trên, nhằm hoàn thiện khả năng nghe và nói thông qua cơ chế thấm ngôn ngữ bán vô thức. 

Điều này không đòi hỏi nhiều tư duy, không cần áp dụng kỹ thuật/kiến thức tinh vi như khi viết hay quản lý từ vựng (i.e., bạn thông minh hơn và biết nhiều từ hơn không có nghĩa là bạn bắt âm/phát âm tốt hơn người khác). Chỉ cần học viên có hứng thú/động lực để tiếp thu và kiên trì đi theo con đường giáo viên đã vạch ra (điều này quay lại vấn đề ở câu 1).

5. Có thể vì bạn rất tự tin vào khả năng nghe của mình và cho rằng mình không cần NGỌNG nữa.


Nhưng dù bạn đạt 9.0 listening của IELTS, bạn hiểu được phần lớn bài giảng chuyên môn trên lớp và bạn đã giao tiếp khá thoải mái với người bản xứ, nếu bạn không ngấm được tinh thần living the language của NGỌNG, có khả năng là bạn mãi mãi sau này vẫn nghe kiểu loáng thoáng khi xem phim hay TV show, hay khi nghe người bản xứ nói chuyện với nhau (chứ ko phải với bạn) trong nhiều tình huống. Điều này tôi rút ra từ trải nghiệm của chính mình chứ không chỉ từ phản hồi của học viên.

Tôi đã có bằng đại học về chuyên ngành dịch tiếng Anh ở Việt Nam, đã đi dạy và đi dịch vài năm, đã đạt điểm rất cao ở đủ mọi loại kỳ thi từ TOEFL cho đến GRE và GMAT, đã có thêm 6 năm đi học cao học và làm việc trong môi trường hoàn toàn dùng tiếng Anh ở Singapore, vậy mà khi sang đến Mỹ tôi xem sitcom vẫn chỉ hiểu được bập bõm. Trước đây đã có trường hợp một bạn đang học dở NGỌNG thì phải nghỉ để đi internship ở nước ngoài, sau khi quay về đã yêu cầu xin học lại vì thực tế cho bạn ấy hiểu rõ hơn tầm quan trọng của lớp.

Một bạn đã đạt IELTS 8.0 phần Listening TRƯỚC khi vào lớp. Một lần nữa đừng quên: Đừng chủ quan trong việc phát triển kỹ năng nghe nói. Điểm 7.0 hay thậm chí 8.0 IELTS thật sự chưa thấm vào đâu với nghe nói thực tế. Đặc biệt là các bạn học MBA sẽ cảm thấy ngay áp lực này chỉ sau buổi thảo luận nhóm đầu tiên.

Chốt lại, vấn đề vẫn xoay quanh một nguyên tắc không có gì cao siêu nhưng lại khó thực hiện: truyền cảm hứng và động lực. Những trường hợp mà tôi coi là thất bại của NGỌNG là những học viên khi ra khỏi lớp gần như không thay đổi gì về thói quen nghe và nói. Tôi thấy tội lỗi vì tôi chưa thể truyền cảm hứng đủ hoặc thuyết phục được họ về tầm quan trọng lâu dài của kiến thức truyền dạy trong Ngọng. But I'll keep trying.

NGỌNG, với phương thức thấm tự nhiên, giúp bạn, không biết từ bao giờ, tự tin & thoải mái
hơn nhiều khi nghe ngoại ngữ

Những người học cả 3 lớp thường có favorite của mình. Hiện tại, đông nhất là TẠP, rồi đến THIỂU , và cuối cùng là mới đến NGỌNG, có lẽ một phần bởi những lý do kể trên.

Nhưng chính tình yêu với lớp như trên lại giúp rất nhiều tăng khả năng bắt âm vô thức của học viên



BONUS.

On a funny note: Một tác dụng phụ nữa của Ngọng. Có lẽ dần dần lớp sẽ trở thành một kiểu Làng Hoàn Cảnh dành cho những người ế hoặc chồng bỏ hoặc bị tình phụ hoặc cả ba (sau khi chồng bỏ thì người tình cũng ra đi nốt và kết quả là ế cho đến bây giờ...)



Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học