TẠP: Thông tin bổ sung

Theo phản hồi của các bạn thì khối lượng từ vựng của lớp quá nhiều, có cảm giác "tẩu hỏa nhập ma". Tuy nhiên, cảm giác học căng và nhiều hơn ở TẠP thực ra nằm trong chủ đích ban đầu của tôi. Nếu kỹ năng nghe nói ở NGỌNG không thể nhồi trong một thời gian ngắn, thì trọng tâm phát triển từ vựng ở TẠP lại có thể (tất nhiên tạm thời ở mức độ bị động, còn để sử dụng cho nhuần nhuyễn và đúng ngữ cảnh thì sẽ cần thêm thời gian). 

Mục đích là để lượng từ vựng bị động (passive) của bạn có thể tăng đột biến trong một thời gian ngắn, giúp bạn làm quen với chiều hướng phải đọc rất nhiều khi lên đại học và cao học. Đó là lý do tại sao những kỳ thi dành riêng cho mục đích này như SAT/GRE lại đòi hỏi các bạn phải "nhồi" trong vài tháng 3-5 nghìn formal words. 

Không nhất thiết là các bạn sẽ gặp lại tất cả những từ này khi đọc tài liệu chuyên môn. Quan trọng hơn là nó rèn cho bạn khả năng đương đầu với áp lực của knowledge overload trong năm đầu tiên vào học. Vì vậy, cảm giác quá tải khi học TẠP là khó tránh khỏi (kể cả đối với nhiều bạn đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tiếng Anh).

Có cần học cả 2 lớp TẠP hay không...

TẠP đòi hỏi quỹ thời gian ngoài giờ học tương đối nhiều: tối thiểu là trước buổi học, bạn phải bỏ công tra hết tất cả những từ mình chưa biết trong các bài đọc. Bạn có thể chưa hiểu cả câu nghĩa là gì, nhưng ít nhất hỏi đến từ nào trong bài, bạn phải biết từ đó nghĩa là gì. Như thế, trong lớp bạn mới có thời gian xử lý những thông tin mới, những điều bạn còn chưa biết sau khi đã tra từ điển. 

Sau buổi học, bạn lại cần thời gian sắp xếp tất cả các cấu trúc mới học (kèm theo ngữ cảnh dùng) vào PVO. Việc trăn trở, tìm cách liên kết, sắp xếp mục từ cũng sẽ góp phần giúp cho bạn nhớ lâu hơn các cấu trúc đã học và tăng khả năng sử dụng từ chủ động. 

Như vậy, nếu bạn học TẠP theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa: ở nhà không bao giờ chịu tra từ trước, đến lớp nhìn từ nào cũng thấy là từ mới, rồi về nhà cũng không hề ôn lại, thì processing overload là điều không tránh khỏi và khi kết thúc lớp, lượng kiến thức bạn thực sự ngấm được không nhiều như mong đợi.



TẠP (khác với NGỌNG thiên về clip dài) sử dụng phần lớp chuỗi clip ngắn với hai mục tiêu chính: minh họa cho việc sử dụng các cấu trúc quan trọng đúng ngữ cảnh, và cho bạn thời gian thư giãn, "thở" và "nhai lại" kiến thức mới vừa được nhồi. Đó là nguyên nhân tại sao clips được chọn thường thiên về clips hài.



Hiệu quả phụ của TẠP do lớp xem nhiều clip và học kha khá các cấu trúc nói

Một số người hiểu nhầm TẠP là lớp chỉ dành cho ai muốn theo con đường biên/phiên dịch chuyên nghiệp. Thực tế, các bạn học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và chưa đạt tới "cảnh giới" tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh, mỗi khi nói hay viết, luôn luôn có sự chuyển đổi (vô thức hay có ý thức) giữa hai thứ tiếng. TẠP được thiết kế để giúp bạn thực hiện việc chuyển đổi này tự nhiên và hiệu quả, không phụ thuộc vào ngôn từ cụ thể mà tập trung vào ý cốt lõi hay hình ảnh mà người viết/nói muốn hướng tới.

Vậy việc DỊCH, hay nói chính xác hơn, CHUYỂN TẢI Ý TƯỞNG, trong TẠP khác gì với thực trạng học dịch và dịch đang khá phổ biến ở môi trường giáo dục của Việt Nam?



Tôi nghĩ thực trạng trên có thể có nhiều lý do. Thứ nhất là đặc thù công việc. 

Với dịch nói, đặc biệt là dịch cabin, thì rõ ràng dịch bám câu chữ sẽ khả thi và hợp lý hơn. 

Với dịch viết, nó còn là chuyện quan điểm. Tôi thì không cho rằng người dịch chỉ cần như cái máy photocopy và sao chép một cách đơn thuần câu chữ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, mà họ cần phải chú ý đến việc chuyển đổi khác biệt văn hóa (cultural schemas), cung cấp kiến thức nền (annotation) và thậm chí khi cần thiết còn giải quyết những lỗi logic hay giúp kết nối ẩn ý của tác giả trong ngôn ngữ nguồn. 

Ở góc nhìn này, học dịch cũng không khác gì học viết: câu đích có thể rất khác câu nguồn ở từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp bề mặt miễn sao thông điệp cơ bản mà tác giả (là chính bản thân người viết hay một người khác) muốn truyền tải được thể hiện một cách dễ hiểu nhất với người đọc của ngôn ngữ đích.

Nhiều người thì không chung quan điểm này, phần vì cách nhìn nhận vấn đề, phần vì thù lao không thỏa đáng và/hoặc tâm lý "lười" (rõ ràng nhìn và cứ thế sao chép sẽ nhanh hơn và đỡ đau đầu hơn). 

Điều đáng tiếc nữa là nhiều người có kiến thức rộng về chi tiết, nghĩa là họ biết rất nhiều cấu trúc và từ vựng, nhưng lại thiếu cái nhìn tổng thể khi cần ghép các mảnh với nhau cho hợp lý nhất trong ngôn ngữ đích và cái này không chỉ phụ thuộc vào hiểu biết về tiếng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tư duy.

Việc giáo viên được đào tạo ở nước ngoài chưa chắc đã giải quyết vấn đề này vì việc chuyển đổi các mảnh ghép hiệu quả còn phụ thuộc vào kiến thức về sự khác biệt trong cấu trúc và lối biểu hiện tư duy giữa hai ngôn ngữ, một điều mà các giáo sư nước ngoài chưa chắc đã cung cấp được cho sinh viên Việt Nam.

Phản hồi trên đây của tôi về thực trạng học dịch ngược tại trường (có vẻ như sau từng ấy năm cơ bản vẫn không hề thay đổi) cũng giúp giải thích một nghịch lý đã xảy ra với chính tôi: khi còn đi học, tôi vất vả hơn nhiều so với các bạn khác để đọc báo tiếng Anh càng nhiều càng tốt cho thấm văn phong và cực kỳ đầu tư thời gian vào vấn đề dịch ngược, nhưng kết quả làm assignment/test thường chỉ đủ qua môn.

Thế nhưng sau khi ra trường, tôi lại có thể tồn tại được trong một nhóm biên dịch chuyên nghiệp với mức thù lao cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường (rate tầm 7-8 USD/trang ở thời điểm những năm 1994-1995), khi chủ thuê và kiểm định chất lượng công việc đều là người nước ngoài.

Với tôi, nếu bạn thật sự muốn phát triển kỹ năng viết, bạn cần cả TẠP và THIỂU. Chương trình của hai lớp bổ sung cho nhau trong việc giúp hoàn thiện kỹ năng khó nhất này. Nói một cách hình ảnh, nếu việc học tiếng Anh giống như xây một ngôi nhà thì THIỂU cho bạn nền móng và bộ khung nhà, còn TẠP giúp bạn chọn gạch để làm sao khi người bản xứ nhìn vào, họ thấy đúng đây là một ngôi nhà mang đậm chất Anh chứ không phải ở tình trạng kiểu dáng nhà thì Anh nhưng lại lợp mái ngói. (Tiếp khách quốc tế trong ngôi nhà vừa xây sẽ lại thuộc phạm trù của NGỌNG :) )

TẠP còn là lớp giữ vai trò cầu nối giữa hai lớp kia vì nó giúp bạn ý thức rõ ràng về chuyện nói và viết phải tách biệt như thế nào và tại sao chúng ta không nên trộn lẫn hai mảng này, một sai lầm mà những người học tiếng Anh thiếu hệ thống thường mắc phải.

TẠP cũng là lớp lồng ghép rất nhiều nội dung thiết thực để giúp các bạn giải quyết những vấn đề thường gặp trong cuộc sống - qua đó càng thấm và nhớ lâu hơn kiến thức tiếng đã học. 

Ví dụ như tôi đã nhận được phản hồi của học viên nam áp dụng kiến thức về gender communication trong chủ đề Sociology để cải thiện mối quan hệ với mẹ, với vợ, với bạn gái, hay như dưới đây, với em gái:



Và cảm nhận của bạn về tiếng Anh cũng bắt đầu thay đổi. Bạn không còn thấy nó là một môn học với những chia động từ, đổi số ít số nhiều, viết câu đơn câu phức nữa, mà là một thứ tiếng đa sắc màu, giàu sắc thái không kém gì tiếng Việt.



Nói một cách ngắn gọn, TẠP không chỉ giúp bạn dùng từ tiếng Anh cho đúng
 mà còn cho thật cuốn hút và sinh động.

Last but not least...

Thường thì tôi hay khuyên là trước khi đi du học một năm phải kinh qua cả THIỂU (nhằm hoàn thiện tư duy viết) và NGỌNG (nhằm hoàn thiện tư duy nghe nói). Nhưng bạn Trang (hiện là giáo viên bộ môn Anh THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) lại khuyên hơi khác (hình trên). Chốt lại là lớp nào cũng cần học trước khi đi nhé [;]

Phản hồi của học viên về riêng chủ đề Skincare https://vuenglishclass.blogspot.com/2022/04/phan-hoi-cua-hoc-vien-cu-chu-e-skincare.html

Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học