Bàn về sense of purpose trong dạy tiếng Anh

Hãy làm sao để học viên gọi bạn là THẦY với đúng nghĩa của từ này, chứ không chỉ vì điểm IELTS của bạn đang cao hơn của họ.

Hôm trước tôi có trò chuyện với một bạn cựu học viên, người sắp hoàn thành luận án thạc sĩ về kinh tế tại Trung Quốc nhưng vẫn còn băn khoăn về hướng đi tiếp theo của mình. Đã từng làm giáo viên tiếng Anh bán thời gian, thấy bản thân có đam mê dạy học và khả năng truyền cảm hứng, nhưng bạn ấy vẫn ngại ngần chuyện phát triển hẳn theo đi dạy vì sợ rằng những nỗ lực từ trước đến giờ về kinh tế, về du lịch, về tiếng Trung đều phải vứt bỏ hết. 

Không hẳn là vậy.

Khi tôi quyết định chuyển hẳn từ tin học sang dạy ngoại ngữ, tôi cũng sợ rằng 5 năm đại học + 2 năm thạc sĩ + gần 7 năm làm tin học chuyên nghiệp sẽ uổng phí cả. Nhưng sau này đi dạy, tôi nghiệm ra một điều: mình có thể kết hợp được phần lớn kiến thức kinh nghiệm đã tích lũy để phát huy tốt nhất cho công việc hiện tại.

Ví dụ kiến thức lập trình giúp tôi tự viết phần mềm quản lý từ vựng PVO của TẠP và cũng là công cụ rèn giũa phát triển tư duy tuyến tính khi lập trình viên luôn phải tìm ra con đường/giải thuật tối ưu nhất để hoàn thành yêu cầu đề ra. Trước tiếng Anh, tôi đã từng học tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Mặc dù giờ chẳng giữ lại được gì cụ thể, nhưng quá trình học đa thứ tiếng kéo dài từ lúc mới 4-5 tuổi cho đến khi tốt nghiệp đại học giúp tôi hiểu hơn những khó khăn trong tiếp thu ngôn ngữ nước ngoài và sự đa dạng trong lối viết của các dân tộc, phần liên quan mật thiết tới chủ đề của THIỂU.

Một số mảng đề tài tôi tự tìm hiểu khi rảnh rỗi cũng đều phát huy tác dụng như creative writing, stage directing & editing (giúp tôi tự biên tập, cắt gọt hàng nghìn clips sử dụng trong các lớp, lên lesson plans, rồi sắp xếp kịch bản của một buổi học sao cho hấp dẫn), psychology, time travel hay skincare (giúp xây dựng những chủ đề hiện đang hot nhất của TẠP), và marketing (được tận dụng tương đối khéo để quảng bá lớp học một cách hiệu quả, ko hề tốn kém về chi phí và cũng không cần qua một hình thức quảng cáo rầm rộ nào mà vẫn đến được đối tượng học viên tôi muốn hướng tới).

Ngay cả những thứ thiên về cá nhân nhiều hơn như khả năng gây cười (giúp tạo nên không khí lớp học tăng hiệu quả tiếp thu), niềm đam mê văn thơ từ thời thơ ấu (giúp lựa chọn materials cho TẠP và chuyển tải ý tưởng giữa hai thứ tiếng sao cho nuột) hay khả năng thẩm âm/hát hò (giúp thẩm định dễ dàng ngữ điệu của học viên, điều quan trọng với một thứ tiếng được coi là musical language như tiếng Anh v.v...) Thậm chí, những năm tháng vật vã vì yêu đương cũng cho tôi kinh nghiệm để góp ý và chia sẻ với học viên trong mục Confessions của lớp, thắt chặt sự giao cảm cần có giữa giáo viên và học viên {:)

Bàn về chuyên môn sâu hơn, tôi học Georgetown, trong một khoa ngôn ngữ lớn với nhiều giáo sư có tiếng với nhiều định hướng nghiên cứu rất đa dạng. Chương trình học trải rất rộng, liên quan tới 9 phân ngành khác nhau của ngôn ngữ học. Hồi đang học thì cứ phàn nàn: tại sao em chuyên về Applied mà bắt em nhồi vào đầu hàng loạt những thứ không liên quan. Chỉ đến khi đi dạy thực tế và bắt đầu tự mình phát triển từ con số 0 một hệ thống bài giảng đặc thù, tôi mới ngấm hết dụng ý thiết kế curriculum của các thầy.

Ngoài core subjects của phân ngành Applied không nói làm gì, tôi dùng được kiến thức từ psycholinguistics để phát triển cơ chế quản lý từ theo liên kết liên tưởng của PVO, rồi các kỹ thuật priming (tăng khả năng bắt âm vô thức) và self-correction (giúp tự sửa lỗi phát âm) cho NGỌNG. Trong THIỂU, tôi tận dụng Semantics (và cả cái gốc chuyên Toán ngày xưa) để diễn đạt các cấu trúc ngôn ngữ dưới dạng phương trình toán cho thật dễ hiểu, hay Structural Syntax thuộc Theoretical Linguistics để dạy về linking scope & syntax tree, hay Cognitive Linguistics để dạy ngữ pháp liên quan tới modal verbs, prepositions & articles.

Sociolinguistics giúp tôi đề cao ảnh hưởng tới sử dụng ngôn ngữ do khác biệt văn hóa, và phát triển những chủ đề kiểu như Gender Study của TẠP, luôn gây được hứng thú với học viên do khả năng liên hệ và áp dụng ngay vào thực tế cuộc sống. Ngay cả thứ boring nhất của thời đi học là Historical linguistics (mà chủ yếu là Etymology) cũng giúp tôi phân loại tốt hơn tones và registers của hệ thống từ vựng dạy trong TẠP.

Một lý do tôi có thể vận dụng được nhiều kiến thức đa dạng như thế là do đặc thù luôn gắn liền với thực tế đời sống, với hơi thở thời đại của ngôn ngữ. Việc “đời hóa” kiến thức để truyền đạt sao cho gần gũi nhất giúp học viên ngấm và ứng dụng công cụ này hiệu quả hơn. Vì thế, giáo viên tiếng Anh không chỉ cần giỏi chuyên môn, mà cũng nên phát triển cho mình một vốn sống & kinh nghiệm đa chiều.

Chốt lại, quay trở về vấn đề chuyển định hướng: đừng lo mình uống phí mất cái gì, mà hãy lo mình tận dụng được gì kinh nghiệm của quá khứ.

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn lại với các bạn giáo viên tiếng Anh trẻ: đừng mang cái tâm lý ăn xổi. Thấy hiện tại dạy kiếm tiền dễ, nên lao đầu vào dạy từ sáng chí tối. Dần dần sau vài năm, trình độ thì không tăng tiến, cách dạy đi vào lối mòn, bạn trở thành một thợ dạy không hơn không kém. Bạn có thể kiếm được một số tiền nhất định, nhưng lợi ích bạn mang lại cho học viên, đóng góp của bạn cho ngành nghề rất cần thiết và rất đáng tự hào của chúng ta thì thế nào?

Hãy làm sao để học viên gọi bạn là "Thầy" với đúng nghĩa của từ này, chứ không chỉ vì điểm IELTS của bạn đang cao hơn của họ. Kha khá giáo viên tiếng Anh trẻ năn nỉ tôi: thầy mở lớp buổi sáng đi để tối em còn đi cày. Nhưng khi lớp sáng được mở, chính những người ấy lại không thấy đâu (em vừa nhận thêm ca, em lại có hợp đồng đi dịch mới v.v...).

Nếu thật sự tâm huyết với con đường này, các bạn cần đặt ra cho mình mục tiêu rõ ràng và dài hơi, định hướng để thay đổi và cần có niềm tin có-cơ-sở về lựa chọn của mình. Dù mất thời gian và tạm thời thiệt thòi về mặt tài chính (chỉ là tạm thời thôi nhé), nhưng bạn sẽ không phải hối tiếc. Quan điểm "đầu tư vào giáo dục không bao giờ lỗ" chưa bao giờ đúng hơn trong ngữ cảnh này.

Khi quyết định dứt bỏ hoàn toàn chuyên ngành tin học, dù đã có bằng đại học ngoại ngữ, đủ các loại chứng chỉ TOEFL/GMAT/GRE với điểm số cao ngất ngưởng (điểm TWE, GMAT lẫn GRE của tôi đều thuộc rank top 1% trên thế giới), vài năm làm nghề tay trái ở mảng biên/phiên dịch, rồi dạy ngoại ngữ dưới hình thức gia sư & trung tâm buổi tối (giống như nhiều bạn giáo viên hiện tại: dạy theo bản năng, theo kiểu được học thế nào thì dạy lại thế ấy), tôi vẫn mất thêm 7 năm ròng rã chỉ để học lại từ đầu, một cách hệ thống, về bản chất ngôn ngữ và phương pháp dạy ngôn ngữ thứ 2.

Tôi vẫn hay nói đùa: biết về nhà đi dạy kiếm được nhiều tiền như thế này thì sớm về phứt cho rồi nhưng thực ra mỗi khi nhìn lại quãng thời gian trên (có thể quá dài với ai đó), tôi chưa bao giờ hối tiếc. Tôi đã lựa chọn đúng.

BONUS.


Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học