Những quả táo đỏ
Thời phổ thông, các thầy cô giáo để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất đều dạy cấp 1 và cấp 2. Không hiểu sao, cấp 3 chẳng có được kỷ niệm sâu sắc với thầy cô nào cả, thậm chí còn xung đột kha khá với thầy chủ nhiệm (người tôi ngoài lòng biết ơn nhưng không hề có chút gắn bó nào). Nhưng cấp 3 phải nói xuất hiện nhiều quái nhân nhất (hoặc là thời điểm tôi và bọn bạn cùng lớp đã đủ "lịch duyệt giang hồ" để nhận diện các quái nhân).
Đứng đầu trong danh sách là thầy Huy dạy sinh vật. Ông này mắc bệnh vĩ cuồng, đi đâu cũng tự khoác lên mình danh hiệu "tiến sĩ miền Duyên Hải" (mặc dù trình độ thực tế chỉ là cử nhân). Không chỉ khoe khoang trình độ, thầy còn tự hào về bất cứ cái gì liên quan đến bản thân. Vài lần trong lớp thầy co tay, vồng ngực khoe cơ bắp, bảo "Các anh chị mang tiếng học chuyên toán, chả biết một ngày bỏ ra được mấy tiếng học toán. Chứ tôi đây, mỗi ngày ít nhất là hai tiếng luyện thân luyện thể. Số đo vòng ngực của tôi [hít một hơi dài] là 1m2. Rõ chưa, 1m2 tức là 120cm..."
Nhìn thầy đứng như chào cờ mà cả lớp không đứa nào dám cười. Kể từ đấy, thầy có thêm biệt hiệu Huy 1m2. Có lẽ vì quá bận rộn với việc quảng bá hình ảnh mà bài kiểm tra tiết thầy chấm theo kiểu ngồi cùng một bàn thì đứa đầu bàn 8, đứa kế tiếp 7, đứa tiếp nữa 6, rồi lại quay vòng lên 8, bất kể là nội dung bài làm thế nào. Tính cách như vậy nên ngoài 40 tuổi thầy mới lập gia đình. Lớp tôi đoán già đoán non không biết thầy có diễn cái màn 1m2 với cô dâu mới trong đêm tân hôn hay không.
Một quái nhân khác là cô giáo dạy tôi môn chính trị. Cô này thì có huyền thoại ngày 20/11, cả lớp ăn mặc nghiêm chỉnh đến nhà cô tặng hoa. Cô ra tiếp các em, mặc bộ đồ ngủ trên còn nguyên vệt thức ăn, khắp nhà quần áo vất vương vãi, cái giường ở góc nhà, bốn góc màn mới hạ được một, chăn gối vất tứ tung. Nước cô rót không đứa nào dám chạm môi sau khi liếc qua bộ ấm chén. Tôi nhớ mấy đứa con gái ra khỏi nhà cô mà tay còn bịt mũi. Ngay cả trong lớp nhìn cô cũng rất luộm thuộm. Giờ giảng y hệt giờ tụng niệm - kinh thánh là sách giáo khoa (chỉ còn thiếu mỗi nước cô hô CHỦ NGHĨA XÃ HỘI thì cả lớp vái một vái). Hễ mà học trò ngứa ngáy, tự nhiên thắc mắc bất kỳ cái gì không in trong sách là y rằng cô tịt. Không trả lời được thì cô cười trừ, rồi thỏ thẻ vẻ quan trọng "À vấn đề này trên chưa phổ biến cho cô biết."
Một phần vì thế mà môn chính trị là môn tôi ghét nhất. 3 năm học cấp 3, lần duy nhất tôi dám quay bài là giờ kiểm tra chính trị. Mà lần đấy đúng ra là khoe mẽ với bọn ở lớp. Vì biết bà giáo chính trị ù ù cạc cạc nên tôi dịch toàn bộ nội dung ôn tập ra tiếng Nga rồi công khai đặt lên bàn quay. Nói là quay cóp cho phải phép, nhưng thực ra sau cả tuần đánh vật với việc dịch, tôi cũng thuộc lòng cái bài gốc Việt từ lúc nào rồi.
Tiếng Nga cũng là ngoại ngữ đầu tiên tôi học, mà còn học trước cả tiếng Việt. Khi chưa đi học lớp 1, bố mẹ đã gửi tôi vào một lớp học thêm theo kiểu trường làng do một kỹ sư tốt nghiệp ở Nga về dạy. Ấn tượng tôi biết về nước Nga trong suốt 15 năm học tiếng chỉ hoàn toàn là qua sách vở.
Hồi bé thì mơ ước được đi Nga lắm lắm. Nhắm mắt vào là mường tượng thấy những con phố sạch như lau như ly, hai bên đường trồng toàn hoa, có đặt ghế đá, trên đó là những бабушка (cụ bà) phúc hậu ngồi đan len. Nhưng hấp dẫn nhất là những cây táo trĩu đầy quả đỏ chín mọng. Nói thẳng ra, cứ mơ được đến nước Nga không phải là để gặp Lê Nin mà để được hái táo ăn thoả thích. Khi lớn chút nữa thì ước muốn những điều còn viển vông hơn như được ngắm mùa thu vàng như trong tranh Levitan, hay thức qua đêm trắng ở Leningrad. Bỏ nhiều công sức cày tiếng, đến cấp 3 là tôi đã đọc được báo chí và tiểu thuyết Nga bằng nguyên bản.
Lớp Toán thì thường vẫn hãi môn ngoại ngữ nên hễ giờ kiểm tra Nga là cô giáo xách cổ tôi lên ngồi bàn giáo viên để bọn xung quanh không có cơ hội sao chép. Yêu tiếng Nga và văn hoá Nga đến nỗi năm lớp 12 tôi khăng khăng đòi thi vào khoa Nga của trường ĐHNN. Nhưng được cái cả nhà không ai đồng ý vì Liên Xô không còn tồn tại, học tiếng Nga ra chỉ có nước... mút mùa. Thế là sau này chuyển sang tiếng Anh. Nếu mà Liên bang Xô Viết không sụp thì giờ chả biết tôi đang ở đâu. Có khi đang đứng bán hàng ở "đôm" hoặc loay hoay cào tuyết trên đường phố Matxcơva cũng nên.
Мой адрес не дом и не улица
Мой адрес - Советский Союз...
Chuyện nước Nga còn liên quan về một sự kiện đã cho tôi, lần đầu tiên trong đời, thấm thía thế nào là bất công. Số là năm tôi học lớp 8, Hải Phòng cử một đoàn thiếu nhi đi dự trại hè Vladivôtxtốc ở Nga. Mỗi quận huyện chỉ được một đại diện. Quận Lê Chân vào shortlist trên Thành Đội chỉ có hai mống là tôi và một đứa con gái khác cũng học lớp 8, nhưng không phải khối chuyên. Khỏi phải nói là tôi háo hức và mong chờ chuyến đi này thế nào. Ôi mình sắp được đặt chân lên đất Nga!!! Tôi còn rộng rãi hứa với cả lớp là sẽ mang về cơ man là táo đỏ để bọn chúng không còn phải nhai táo vẽ trong sách. Ở trường ai cũng tin chắc là tôi sẽ được chọn vì cả thành tích học tập lẫn hoạt động đội tôi đều trội hơn hẳn con bé kia. Nhưng rốt cuộc kết quả thì...
Mẹ tôi tìm đến tận nhà một chị trên Quận Đội để hỏi cho ra nhẽ. Lý do bình thường thôi: con bé kia học không giỏi, nhưng là con của ông phó chủ tịch quận. Tối hôm ấy, mẹ về ôm tôi an ủi "Thôi con ạ, người ta là con ông cháu cha..."
Nghe đài phát thanh thông báo về chuyến đi, tôi không chảy nước mắt nhưng thấy nhói trong lòng cảm giác của một đứa trẻ bị người lớn lường gạt, cảm giác của một người bị người ta giành mất cái mà đúng lý ra thuộc về mình...
Hôm ấy tôi tự hứa với bản thân lớn lên sẽ cố gắng thành người thành đạt, làm ra đủ tiền để có thể đi khắp năm châu bốn bể, không cần phải phụ thuộc vào ai. Và tất nhiên rồi, tôi nhất định sẽ đến thăm nước Nga, đất nước của những quả táo đỏ....
PS. Ước mơ thành hiện thực khi tôi đã gần hoàn thành mục tiêu đi được 100 nước trên thế giời của mình. Và đặc biệt là đã có dịp sang Nga vào hè 2011, sau 18 năm không hề động đến thứ tiếng này.
Ngồi trên máy bay từ Munich tới St. Peterburg là bắt đầu hồi hộp, tim đập mạnh, miệng tự nhiên lẩm nhẩm mấy câu hát Nga tưởng đã lãng quên từ lâu, cảm xúc thật không khác gì người đi xa lâu ngày về thăm quê.
Xuống đến sân bay thì đã nửa đêm về sáng. Làm thủ tục hải quan, lấy hành lý, đổi tiền, rồi ra ngồi chờ vạ vật thêm mấy tiếng đợi chuyến xe buýt đầu tiên vào thành phố. Lên xe đi cho đến ga tàu điện ngầm đầu tiên. Vào ga, dừng ở quầy vé, ngần ngừ rồi bảo "один жетон, пожалуйста" (one ticket, please). Bỗng thấy mình như chưa từng bao giờ bỏ rơi thứ tiếng thân yêu này hết.
Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html
hay quá thầy ơiiiii
ReplyDeletemà sao trước lớp 1 đã đi học tiếng Nga mà thầy vẫn học được đỉnh vậy ạ :))
ReplyDeleteCác bạn chắc phải comment sang bên FB thì tôi mới dễ reply :)
ReplyDeleteAnh giống em. Cấp 3 em toàn gặp những người hơi 3 chấm ....
ReplyDeleteThương bạn trẻ đấy quá, bài tâm sự cũng làm mình nghĩ nhiều và liên tưởng vài điều về mình. Cũng cho mình hiểu nhiều thêm về thầy.
ReplyDeleteThầy không làm nhà văn cũng hơi phí thầy ạ.
ReplyDeleteThật sự ngưỡng mộ thầy vì đã đi được rất nhiều nước. Thầy có note nào ghi lại những hành trình đi qua các nước không ạ ?
ReplyDelete