Toán và Văn
Phần Một. Toán và Văn
Hình như ở bất cứ trường chuyên nào cũng thế, lớp Văn và lớp Toán luôn có truyền thống kỵ nhau rõ rệt. Nhắc đến con gái lớp Văn là tụi con trai Toán lại trề môi dưới "Điệu gì điệu đến chảy nước cả ra, nói chuyện thì cứ như diễn thoại trên sân khấu cải lương." Còn con gái Văn thì cũng chẳng kém cạnh "Một lũ nghịch như quỷ, chân tay lúc nào cũng bẩn nhem nhuốc, mà có bao giờ biết thưởng thức cái đẹp của đoá hoa quỳnh nở giữa đêm!!!"
Buổi học hè năm lớp 6, tôi vừa lò dò xách cặp đến cửa lớp thì thấy Thi còi đã đợi sẵn bên ngoài. Nhìn vẻ mặt tổng tấn công Tết Mậu thân của nó, tôi ngờ ngay có chuyện gì. Nhúm lèo tèo mấy đứa con gái lớp tôi túm tụm ở gần cửa, còn thằng con trai duy nhất của lớp 6 Văn thì lủi xa hơn nữa, ra vẻ đang thẫn thờ ngắm hoa phượng rơi. Do sơ suất trong việc sắp xếp lịch, mà giám hiệu nhà trường lại bố trí 6 Văn và 6 Toán vào trùng một phòng. Thế là nước với lửa được dịp xáp lá cà trực tiếp.
Trong lớp, cảnh tượng diễn ra y như ngoài công viên khi chạng vạng tối - tại mỗi chỗ ngồi là một cặp Trai Toán - Gái Văn đối lưng vào nhau, không ai nhường ai dù một ly. Vì ghế quá bé nên chúng thượng hết lên bàn, miễn sao chiếm càng nhiều không gian càng tốt. Chỗ nào còn trống thì chúng giăng sách vở, mở hộp bút để khẳng định lãnh thổ. Và tôi hiểu lý do tại sao Thi còi sốt ruột chờ tôi đến.
Phe toán hiện đang mất cân bằng nghiêm trọng - trên bàn giáo viên, cái Hoa béo, lớp trưởng lớp Văn ngồi thù lù từ bao giờ. Còn tôi, lớp trưởng lớp Toán giờ mới dẫn xác đến. Lấm lét nhìn tấm thân bồ tát của bà xe lu, tôi thì thào với Thi
"Nó to thế kia, tao làm sao mà lấn được, hay là.... tao và mày cùng lên... chiến nó cho cân?"
Thi còi lắc đầu quầy quậy "Không được, tao còn vị trí của tao nữa chứ."
Tôi liếc về phía chỗ ngồi của Thi - một con bé cũng gầy nhẳng y như nó đang đung đưa cả chân lẫn bím tóc trên mặt bàn, "vô ý" đẩy dần cái cặp của thằng bé theo chiều rớt xuống đất.
Tôi hít một hơi sâu, ước gì mình cao thêm vài tấc, rồi đi một cách "khoan thai" lên bục giảng. Biết chắc với thân hình thế kia, Hoa chỉ lắc hông một cái là tôi bắn ra khỏi chiến sự liền. Nhưng vì danh dự của lớp, mà cao hơn là danh dự bao đời nay của khối Toán, tôi đành nhắm mắt liều chân vậy.
Thật may cho tôi, trong thời gian dài dằng dặc đi từ cửa lớp đến bàn giáo viên, cô hiệu phó đã kịp thời xuất hiện để hoà giải. Theo quyết định của cô, lớp Toán phải lập tức dời sang phòng thuộc dãy bên kia, để trống hoàn toàn trận tuyến cho lớp Văn. Chúng tôi lủi thủi thu dọn sách vở và ra đi không kèn trống.
Bọn Văn khoái trá nhìn theo, và hình như có đứa nào làm nhạc trưởng mà chúng nó đồng thanh "ê ê" cùng một lúc. Cái trừng mắt của cô giáo khiến dàn nhạc mèo gào ngừng bặt. Nhưng cô vừa quay đi thì lại đồng loạt hơn ba chục cái lưỡi thè ra. "Ông thì ông cắn đứt hết giờ", thằng Thi ôm vở đi cạnh tôi nghiến răng.
Ra đến ngoài lớp, không biết trút cái cục tức đi đâu. Liếc thấy "mì chính cánh" của lớp Văn vẫn đứng xớ rớ gần cây phượng, tôi lại gần, khều nhẹ nó "Làm được mấy bài thơ rồi mày?"
Lúc đó, tôi có biết đâu cái thằng bé trắng trẻo và leo kheo ấy sẽ đóng một vai trò quan trọng đến thế nào trong cuộc đời tôi sau này.
Phần Hai. Tôi và Hà
Tôi gặp lại Hà, "con một" của lớp Văn sau đó hơn một năm, tại buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Vốn tham gia hoạt động Đội tích cực, lại sở hữu chất giọng "hát hay không tày hay hát" nên tôi được coi là một trong những hạt nhân nòng cốt của đội văn nghệ trường. Thoáng thấy Hà bước vào phòng tập, tôi nhướng mắt "Không chỉ thơ văn mà còn nhạc nữa đây. Đa tài quá ta."
Nhưng giọng Hà rất hay, trong và mượt, và bài nó chọn cũng là một bài mà tôi thường ngâm nga, Cho Con của Phạm Trọng Cầu. Tuy nhiên, nó thiếu tự tin đến mức không thể nào... tin được. Biết rằng lần đầu tiên "ố ố la la" trước mặt người lạ thì có đứa nào không run, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh miệng hát "Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con" mà người thì rung bần bật như thân chuối gặp bão vậy. Ngay cả cái bàn, nơi nó bám tay vào, cũng lắc lư vặn vẹo một cách tội nghiệp. Chắc hẳn nó phải suy nghĩ quyết tâm cả mấy tháng hè mới dám đăng ký tham gia đây.
Hơn chục lần vào nhạc, Hà đều trật nhịp, và có lần nào ngẫu nhiên đúng, thì tông lại lệch một cách thê thảm. Loay hoay gần nửa tiếng, hết tăng nhịp lại giảm cao độ, chị Ngọc tổng phụ trách đội đành lắc đầu.
"Có lẽ phải loại tiết mục của em ra vậy. Hát ở đây mà em còn mất bình tĩnh như vậy, đến khi ra biểu diễn chính thức tại hội trường lớn thì làm sao?"
Thằng bé không cãi lại một câu, lí nhí chào chị rồi lẳng lặng ra khỏi phòng. Nhìn nó đi, mặt cúi gằm, vai so lại gầy guộc, tôi thấy tội quá. Tôi chạy theo nó.
"Ê, mày..."
Chưa quen biết gì, cũng chẳng biết xưng hô thế nào, tôi buông sõng một câu cụt lủn. Nó dừng lại, ngẩng lên nhìn tôi. Tôi lên giọng động viên
"Mày chưa quen nên run cũng phải. Cứ ngồi dưới xem tụi nó luyện một lúc, sẽ bạo hơn. Tự tin lên đi, hồi mới tham gia văn nghệ, tao cũng run đến suýt són ra quần nữa là."
Hà hơi nhếch môi trước câu pha trò của tôi. Tuy có vẻ chưa tin tưởng lắm, nhưng nó cũng đồng ý quay lại phòng tập.
Tập thêm vài tiết mục nữa thì chị Ngọc có việc chạy lên văn phòng trường nên chúng tôi được nghỉ giải lao. Tôi nảy ra một ý và rủ đội văn nghệ chơi cướp cờ. Đám con gái hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng Hà chần chừ, "Tớ không chơi mấy cái trò này bao giờ." Tôi liền khích, "Thì chơi cho vui. Tụi con gái nó còn dám chơi, con trai gì mà cáy thế!"
Vì chỉ có tôi và Hà là con trai nên đương nhiên mỗi đứa được xếp về một phe. Một đứa con gái đứng ra làm trọng tài và cuộc chơi bắt đầu.
Hai phe cân tài cân sức và tỉ số luôn được giữ sát nút. Chơi hết mình, nhưng tôi vẫn liếc mắt xem chừng Hà. Nó nhập cuộc say sưa từ bao giờ và đang khoa chân múa tay, gào to chẳng kém gì tôi. Lần cướp cờ cuối cùng, trọng tài hô số của tôi và Hà. Hai đứa chờn vờn quanh cái cờ, chờ tìm sơ hở của đối phương. Đột nhiên tôi "trượt" chân, và Hà nhân cơ hội này, giật cờ rồi lao về đích. Tôi đuổi theo sát sườn, thậm chí còn "suýt" chạm tay vào người nó khi Hà băng qua vạch.
"Thắng rồi, thắng rồi, hô hô hô" Hà nhảy cẫng lên, hai tay vỗ vào nhau khoái chí. Thậti không nhận ra cái thằng con trai run rẩy và rúm ró lúc đầu giờ chiều nữa.
Tôi xin chị Ngọc cho Hà thử lại. Mặt còn ròng ròng mồ hôi, nhưng cười rất hồ hởi, lần này nó vào nhạc không chút ngắc ngứ. Tiết mục của nó chỉ khớp thêm hai lần là ổn. Tập văn nghệ xong xuôi, tụi học trò dư thừa năng lượng lại rủ nhau sang công viên phía bên kia đường chơi đu quay. Dư âm của trận cướp cờ vẫn còn và Hà nhập bọn cùng chúng tôi không chút ngập ngừng.
"Mày đẩy mạnh nữa lên, quay vẫn chậm quá." Một đứa con gái ngồi trên đu giục tôi. "Ừ thì nhanh này", tôi bám theo đu, dốc sức chạy và đẩy mạnh. Tụi con gái ré lên thích thú. Vòng đu lướt nhanh và cái ghế Hà ngồi xoạt ngang chỗ tôi. Thôi chết, có điều không ổn. Mắt nó nhắm nghiền, mặt tái đi như người trúng gió. Thằng này say đu rồi.
Tôi lựa thế, lao tới bám vào một cái ghế trống, cố sức ghìm đu lại. Cái đu khật khừ rồi chậm dần, và dù vòng quay chưa ngừng hẳn, Hà đã buông tay, ngã dài trên bãi cỏ. Không kịp ngồi dậy, nó nghiêng người nôn thốc nôn tháo. Tôi tới gần, dìu nó đứng lên và trách "Sao mày say đu mà không kêu lên cho tụi tao biết. Nhỡ mày ngã đập đầu vào đu thì sao hả?"
Hà thều thào, "Tớ ngại mọi người lại chê tớ nhát cáy."
Nhìn nó đi loạng choạng, tôi ái ngại "Thôi, mày gửi xe lại chỗ bảo vệ. Để tao đèo mày về. Nhà mày ở phố nào?"
Hà ở không xa nhà tôi lắm và chúng tôi trở nên thân nhau từ đấy.
Phần Ba. Hà và Tôi
Việc chúng tôi chơi thân với nhau được bố mẹ hai bên rất tán thành. Trong mắt các cụ, đây có lẽ là sự kết hợp tuyệt vời giữa "ngọt" và "béo", cùng giúp nhau nâng cấp cả môn Toán và môn Văn. Mẹ tôi quý Hà lắm, lúc nào cũng khen thằng bé lễ phép và tình cảm.
Nhà Hà, giống như đa phần nhà ở chung quanh, có vườn khá rộng. Cây trứng cá trong vườn nhà nó luôn là điểm dừng chân đầu tiên của tôi mỗi khi sang chơi.
"Này, mày có rỗi thì chạy qua đây. Tao đang có cái này hay lắm." Hà gọi cho tôi. Khi tôi sang đến nơi, nó đang ngồi chồm hổm nơi góc bếp. Một chú gà con lông vàng óng, xem chừng mới nở được mấy ngày, đang đứng run rẩy trong cái ổ nhỏ, quây bằng giấy vụn và giẻ rách. Ổ được chiếu sáng bằng một bóng đèn vàng 75W.
"Chơi với nhau lâu rồi mà tao không hề biết mày đẻ được trứng." Tôi đùa.
"Buổi chiều lúc tao ra đóng cổng, thấy nó quanh quẩn ở gần đó. Tao đoán chắc là lạc mẹ. Mày nghĩ đèn chiếu thế này có đủ ấm không?"
"Giờ mùa đông rồi, sợ không đủ. Mày xoay cái ổ ra đằng sau tủ lạnh, chỗ động cơ ấy. Ở đấy là nóng nhất. À, để tao ra chợ xin cho nó ít rơm."
"Này, tao đặt tên cho nó là Chic, nghe hay không?" Hà bụm tay nhấc con Chic ra khỏi ổ, chu môi thổi nhẹ mẩu giấy vụn dính trên đầu nó. Nó tặc tặc lưỡi "Ây Chic Chic..."
Suốt cả mấy ngày tiếp đó, Hà không nói chuyện gì khác ngoài chuyện gà. "Con Chic biết ra vườn chơi rồi... Hình như con Chic là gà mái mày ạ... Con Chic nó mổ vào tay tao để nhặt gạo nhớ..."
Bữa sau, khi tôi qua nhà, Hà ra mở cổng, mắt đỏ hoe.
"Có chuyện gì thế mày?"
"Con Chic... con Chic..." Hà chỉ lắp bắp được mấy từ rồi bật khóc thành tiếng.
Số là nó đi học lớp vẽ ở Cung Thiếu Nhi về thì phát hiện ra con Chic bị ai đó xéo phải, nằm quay trong vườn.
"Chắc là đám học sinh học thêm của bố tao. Mà mày bảo tao làm thế nào bây giờ!" Miệng nó lại bắt đầu méo xệch.
Nhìn chú gà con nằm thiêm thiếp, mắt nhắm nghiền, cẳng chân chốc chốc lại giật giật, tôi quyết định rất nhanh.
"Mày kiếm một cái hộp lót vải. Tao sẽ mang nó lên chỗ anh họ tao. Anh í là bác sĩ thú y, may ra có thể cứu được."
Buổi tối, tôi gọi điện cho Hà. "Đừng lo gì cả. Anh tao nói sẽ ổn thôi. Giờ đang... ờ... đặt trong lồng ấp. Anh í bảo cứ để đây theo dõi vài ngày cho chắc ăn."
"Ôi... Mày không biết, chiều nay tao không thể nuốt nổi hạt cơm nào..."
"À, tí thì quên. Ngày mai đi tập văn nghệ, mày xin phép chị Ngọc hộ là tao phải về huyện An Hải... ờ... ăn giỗ nên không đi được."
Vài ngày sau, tôi mang con Chic trở lại. Hai đứa khệ nệ khiêng cái chuồng gà cũ trên mái bếp xuống, lau chùi và sửa sang lại, chuẩn bị "lâu đài" tương lai cho Chic. Vừa cặm cụi gõ gõ, chuốt chuốt, Hà vừa rủ rỉ. "Hôm nọ đi ở phố, tao nhìn thấy một cái khăn len đẹp lắm. Tao nghĩ mày nên mua tặng bác gái."
"Mày dở hơi à, " Tôi cười ồ lên, "Sao tự nhiên lại tặng mẹ tao khăn len."
"Thì tao thấy khăn của bác sờn hết cả rồi. Mà trời thì đang lạnh dần."
"Nhưng tao thấy kỳ cục thế nào ấy. Trước đến nay, chả tặng mẹ cái gì bao giờ. Bi giờ tự nhiên lại tặng, mà cũng chẳng nhân dịp gì."
"Thì tại sao phải nhân dịp gì? Mày giờ lớn rồi, phải biết quan tâm đến bố mẹ đi chứ."
Nói là làm, sửa xong chuồng gà, hai đứa đạp xe lên phố. Cái khăn tuy không đắt lắm, nhưng phải dốc túi của cả hai góp lại mới đủ. Mua xong rồi, tôi lại thấy ngại ngần. Đàn ông con trai trong nhà tôi vốn ít thể hiện tình cảm ra ngoài. Bố tôi và anh cả chưa bao giờ tặng mẹ cái gì nhân dịp 8/3. "Thôi, hay là mày đem tặng hộ tao đi. Đây là ý kiến của mày mà."
"Mày vớ vẩn nào. Mày là con của mẹ, mày tặng mới quý chứ. Cứ đưa cho bác và nói thế này này..."
Tôi về đến nhà thì mẹ đã dọn xong mâm bát. "Chiều nay có hai mẹ con mình thôi. Bố đi công tác đột xuất dưới huyện, mai mới về."
"Mẹ, con... con... có cái này tặng mẹ. Vì mùa đông lạnh rồi, mà khăn của mẹ lại cũ lắm rồi... mà trời thì lạnh, nên con mua khăn mới... kẻo lúc trời lạnh, khăn cũ không ấm..." Sự ngượng nghịu khiến tôi cứ ấp a, ấp úng, hết khăn lại trời lạnh.
"Mẹ hiểu rồi. Mẹ cảm ơn con. Thôi đi rửa tay đi rồi ăn cơm." Hình như mẹ cũng không được tự nhiên thì phải. Chắc mẹ lại nghĩ thằng cu hâm nhà mình trở trời bỗng dưng mua khăn tặng mẹ đây. Tôi đi ra bể nước mà trong lòng không ngừng rủa cái giây phút đồng ý nghe theo thằng Hà.
Đêm. Tôi cựa mình và tỉnh giấc. Xung quanh thật im ắng. Chắc phải quá nửa đêm rồi. Có ánh sáng hắt sang từ bếp. Mẹ lại quên tắt đèn đây. Tôi nghển cổ, vén tấm mành ngăn, ngó qua. Mẹ vẫn ngồi cạnh bàn ăn, đang nghĩ ngợi điều gì đó. Mắt mẹ nhìn đi đâu xa lắm. Tay mẹ vuốt vuốt tấm khăn len đang trải rộng trên bàn. Rồi mẹ lại mỉm cười.
Tôi se sẽ hạ mành rồi nhẹ nhàng buông mình nằm xuống. Một cảm giác thật ấm áp dần lan toả trong tôi. Dường như cái khoảnh khắc ngượng nghịu và miễn cưỡng khi trao quà cho mẹ chưa từng bao giờ xảy đến. Tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Phần Bốn. Văn và Toán
Cấp ba đối với tôi chẳng có nhiều khác biệt. Tôi với Hà vẫn như hình với bóng, ngày ngày cùng đạp xe đến trường. Chỉ có điều mối quan hệ truyền kiếp Văn - Toán đang chuyển biến một cách rõ rệt.
Bắt đầu thành người lớn, sự điệu đàng của chuyên Văn bỗng mềm đi thành một cái gì đó thật dễ thương và hay hay trong mắt tụi con trai Toán. Còn con trai lớp Toán thì được coi là có giá nhất trường - học siêu nhất, ga lăng nhất và cũng vô tư nhất.
Toán đồng nghĩa với Tán, con trai lớp tôi, đứa nào chán cảnh "trâu ta gặm cỏ đồng nhà" và quyết định đột phá sang phía Văn là... thành công đứa đó. Đã qua rồi cái thời hai bên ghét nhau như đào đất đổ đi. Giờ đây sinh nhật của nàng Văn nào cũng thấp thoáng bóng mấy chàng Toán.
Năm lớp 12, Thi còi ngoắc tôi ra một chỗ. "Này... mày giúp tao việc này." Nó thì thào. "Mày chơi thân với thằng Hà cụ, thử dò la hộ tao xem nó với cái Diệp có chuyện gì không?"
"Mày lại để bụng"cái Diệp nào đấy chứ gì. Sao con gái lớp mình không hoa hồng thì cũng hoa... mào gà, mà chúng mày toàn đánh quả sang bên Văn là thế nào?" Tôi châm chích, dù thừa biết câu trả lời của Thi.
"Thôi tao lạy mấy bà chằng lớp mình. Cười nói cứ là toang toác. Hôm nọ Huệ mèo vỗ yêu vào vai tao một cái, giờ vẫn còn vết bầm đây này. Thế nhá, mày giúp tao..."
Nghe Thi nói nhưng tôi chẳng mấy để tâm. Chắc lại tin đồn thất thiệt thôi. Thằng Hà nó mà cảm đứa nào thì tôi phải biết chứ. Nhưng đã trót hứa nên buổi chiều đạp xe từ trường về, tôi vẫn hỏi Hà một câu lấy lệ. "Này Diệp là con bé nào thế?"
"Cái đứa để tóc đuôi sam mà hôm nọ mày gặp tao với nó đi từ cửa lớp ra í. Năm nay sắp lại chỗ, tao với nó thành ra ngồi cạnh nhau."
"Tao nhớ ra rồi. Cô nàng cũng xinh xắn đấy. Thế giữa mày với nó có... gì không mà tao nghe tiếng đồn loan khắp trường là... ăn hỏi đến nơi rồi?" Tôi cười cười.
"Mày vớ vẩn. Bạn cùng bàn, hay nói chuyện thì có thân hơn người khác chút. Diệp hiền lắm..."
"Tao đùa thế mà mày cũng đỏ mặt tía tai lên là làm sao. Hay là có gì... chớm nở thật?" Tôi liếc sang nó ngờ vực. Hà không trả lời. Nó đột nhiên dấn bàn đạp, phóng vượt lên phía trước.
Buổi chiều tan học thêm, đáo qua cửa lớp Văn thì chúng đã vườn không nhà trống từ bao giờ. Nhưng tôi biết phải tìm Hà ở đâu. Hàng ốc bà Sửu chéo mé cổng trường vốn là "địa chỉ đỏ" của hai đứa. Tôi và nó vẫn thường chờ nhau ở đó mỗi khi lệch giờ. Dựng xe xong, tôi ngó đầu vào quán. Y như rằng thằng Hà đang ngồi ở cái góc quen thuộc. Nhưng hai cái bím tóc đung đưa cạnh nó làm nụ cười trên môi tôi tắt ngấm.
Bình thường, tôi chẳng bao giờ nghĩ gì khi Hà đi với tụi con gái. Lớp nó toàn con gái, đi chung cũng là lẽ thường tình. Nhưng tại sao lại là Diệp, mà lại chỉ có hai người với nhau thế này. Cảm giác buồn bực vô cớ khiến tôi chẳng nói chẳng rằng quay phắt ra và phóng thẳng về nhà.
Tối hôm đó, Hà gọi điện sang. "Chiều mày biến đi đâu làm tao đợi mãi?"
"Thì tao có chút việc bận, quên không bảo mày. Thôi, tao đang mệt, đi ngủ sớm đây." Tôi nói cộc lốc rồi dập máy. Tự biết mình vô lý, nhưng có điều gì đó khiến tôi không thể giải thích nổi. Thôi để sáng mai đi học, mình xin lỗi nó vậy. Tôi tự nhủ.
Đêm đó, tôi trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Tôi nhớ về buổi tập văn nghệ đầu tiên tôi và Hà biết nhau.
Tôi nghĩ về Chic, con gà lạc mẹ dạo nào giờ đã chiếm cứ cả một góc vườn với hậu duệ của nó. Hà không biết rằng con Chic thật đã không qua khỏi trước khi tôi kịp đến chỗ ông anh. Nó cũng chẳng hay tôi đã phải chui lủi cả ngày trong các vườn quê để tìm cho ra một chú gà con na ná giống Chic.
Tôi nghĩ về chiếc khăn len mà mẹ đã quàng suốt mấy mùa đông.
Tôi nhớ về những buổi tối hai đứa dựng ghế ngả trước hiên, ngước lên bầu trời lấm tấm sao và mơ ước về tương lai. Hà luôn ước ao trở thành hoạ sĩ còn tôi thì vẫn chưa chắc chắn là mình thích làm gì nhất. Lúc thì tôi muốn đi dạy, lúc thì mơ làm phi công, có khi hứng lên lại quyết tâm gia nhập ngành an ninh.
Nhưng có một điều tôi không bao giờ thay đổi. Tôi ước rằng tình bạn giữa hai đứa tôi sẽ mãi mãi không bao giờ mất đi...
Sáng dậy, thấy mặt mũi tôi phờ phạc, mẹ lo lắng. "Con có làm sao không, hay lại ăn phải thứ gì khó tiêu? Để mẹ lấy cho mấy viên B1."
"Đã nói là con không sao mà." Tôi lầu bầu rồi vào buồng mặc quần áo và sắp sách vở.
Có chuông điện thoại, mẹ tôi nhấc máy.
"Con này," mẹ nói vọng vào. "Hà nó nhắn con là hôm nay đừng ghé qua nhà nó. Nó phải qua đưa một đứa bạn cùng lớp đi học."
Tôi quẳng vội cái cặp đang soạn dở, lao vọt ra. "Nó còn đó không mẹ?"
"Không, nó vội đi nên cúp máy rồi. Chỉ nói vắn tắt thế thôi."
Sự bực bội tưởng đã tan biến, lại bùng lên trong tôi. Tôi biết chắc đứa bạn mà Hà qua đón là đứa nào. Thì ra hai anh chị giờ công khai đưa đón nhau đây. Mà nó chẳng thèm nói với tôi một tiếng. Tình bạn bấy lâu giữa tôi và nó hoá ra chẳng có nghĩa lý gì hết.
"Mình chẳng còn là gì với nó cả!" Ý nghĩ ấy lặp đi lặp lại trong đầu tôi suốt dọc đường đến trường.
Giải lao giữa giờ, tôi vừa ra đến cửa lớp thì thấy Hà đã chực sẵn. "Ây, tao bảo này... ơ mà mày có ốm không đấy. Sao trông mày xanh thế?"
"Kệ tao, mày định nói gì, nói đi?"
"Thì... tuần này tao phải ghé qua đưa Diệp đi học, mày chịu khó đi một mình nha."
"Được thôi, mày có đưa nó đi học cả đời, tao đây cũng chẳng quan tâm." Tôi gằn giọng, cắn môi để khỏi bật thành tiếng quát.
"Mày... mày sao thế. Giờ thì tao không giải thích hết ý được. Để khi nào..."
Tôi không thèm nghe nó nói hết, sầm sầm lao thẳng ra sân trường. Hà không đuổi theo. Liếc nhìn lại, tôi thấy nó đang đi về phía lớp. Tất nhiên rồi, nó giờ đã có người để quan tâm lo lắng, tôi có là gì đâu cơ chứ. Tôi đi thẳng ra bãi gửi, lấy xe ra rồi phóng về nhà.
Trời nắng chang chang. Cái nóng trong người tôi không ngừng bốc lên. Giận giữ, cay đắng, tủi thân, bất cần... tất cả những cảm giác đó trộn lẫn thành một mớ hỗn độn không thể định nghĩa. Tôi cảm thấy đầu mình như muốn nổ bung. Mặc nguyên quần áo, tôi ra bể nước, thẳng tay dội ào ào.
Trưa hôm ấy, khi mẹ đi làm về thì tôi đã lên cơn sốt bừng bừng. Nhà trường gọi điện vì tự nhiên tôi biến mất trong khi sách vở vẫn để nguyên tại lớp. Bố lại đi công tác xa, mẹ phải xin nghỉ dạy để ở nhà chăm tôi.
Giữa những đợt sốt hừng hực, khuôn mặt Hà luôn chập chờn trước mặt... Tôi mơ thấy chiếc đu quay ngày nào... Nhưng mọi thứ giờ đã thay đổi... Hà và Diệp ngồi ghế phía trước, cười giòn giã... Hà dường như không nhận thấy tôi đang ở đó... Diệp nghiêng đầu, hất hai bím tóc ra sau lưng, nheo mắt nhìn tôi một cách chế nhạo... Tôi mặt tái nhợt, gò mình trên ghế, mắm môi mắm lợi cố đuổi theo... Nhưng nào có thể đuổi kịp... Tôi chóng mặt quá...
Vòng đu vô tình vẫn quay... quay... quay...
Phần kết. Những gì còn lại
Những khi hạ sốt và đầu óc tỉnh táo hơn, tôi lại tự lý giải với bản thân mình. Tại sao tôi ra nông nỗi này? Hà đã lớn, chuyện nó có bạn gái cũng là bình thường. Nó có bạn gái đâu có nghĩa là nó không còn chơi với tôi nữa. Đáng ra tôi phải mừng cho nó mới phải. Tại sao tôi lại thấy bực bội và ghen tức đến thế chứ? Tôi đã cư xử thật rồ dại và ích kỷ. Ôi, tôi thật không thể hiểu nổi mình nữa rồi...
Hà gọi điện ngày mấy lần để hỏi thăm tình hình tôi, nhưng tôi nhờ mẹ nhấc máy và ra hiệu là mình mệt, không muốn nói chuyện. Đến trưa ngày thứ ba, tôi đã hết sốt cao, người chỉ còn hơi hâm hấp. Mẹ cặp lại nhiệt độ cho tôi rồi dặn.
"Chiều nay mẹ ghé qua cơ quan một lúc. Cháo mẹ đặt sẵn trên bếp. Khi nào đói thì bật lửa nhỏ hâm lại rồi hẵng ăn nhớ chưa."
Mẹ đi rồi, tôi nằm lại một mình. Người lả đi, mỏi rời rã mà tôi chẳng muốn ăn, cũng chẳng buồn ngủ. Tôi cảm thấy thật lẻ loi và trống rỗng.
Có tiếng kéo xích cổng. Chỉ cần nghe cách kéo, tôi cũng biết là ai đến. Tôi vội úp mặt vào trong, cố gắng thở đều đều, vờ như đang ngủ. Im lặng. Có bước chân rón rén lại gần, rồi hơi thở ấm nóng kề sát tai tôi. Tôi cố hết sức kiềm chế để khỏi quay lại và ôm chầm lấy Hà. "Tao biết mày chưa ngủ đâu. Ngủ gì mà mí mắt cứ chấp chới thế kia." Hà cười khúc khích.
Tôi chầm chậm xoay ra nhìn nó. "Hà, tao xin lỗi chuyện hôm trước..."
"Bỏ qua đi. Mày ngồi dậy ăn bánh cuốn cái đã. Tao đạp xe lên tận Yết Kiêu mua đấy. Ăn ngay đi cho nóng."
Bánh cuốn nhân là món ăn khoái khẩu nhất của tôi. Nhìn Hà lụi cụi sắp bát đũa, tôi chợt thấy sống mũi cay cay. "Mà này tao nhắc lại lần nữa. Tao với Diệp không có gì đâu nhé. Mấy bữa nay, nhà Diệp có chuyện buồn nên tao đến đưa nó đi học thôi. Nó dặn tao giữ kín nên tao chưa tiện giải thích cho mày hiểu. Nhưng giờ thì ổn cả rồi."
Mồm đầy bánh cuốn, tôi lúng búng, lắc lắc đầu ra ý nó không cần phải thanh minh gì hết. Hai đứa ăn xong, Hà lau rửa bát đĩa rồi bảo tôi. "Đến giờ học vẽ rồi, tao phải lên Cung. Tối cơm nước xong, tao sẽ qua. Mày cố ngủ đi một tí cho chóng lại sức."
Hà đã ra đến cửa nhưng vẫn dùng dằng chưa đi. Ngần ngừ một lát, nó quay lại, ngồi quỳ gối bên cạnh giường. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi.
"Mày à, có một chuyện mà... mà tao muốn nói với mày từ lâu rồi. Nhưng tao cứ chần chừ mãi vì tao sợ... Tao sợ rằng bọn mình sẽ không thể là bạn nữa nếu tao nói thẳng ra... nhưng...... nhưng..."
Hà lại ngập ngừng, nuốt khan trong cổ. Nó thò tay vào tấm phủ, lần tìm và nắm chặt tay tôi.
"Nhưng phản ứng của mày trong thời gian gần đây khiến tao cảm thấy... đã đến lúc không thể không nói. Có thể mày sẽ không còn muốn nhìn mặt tao nữa. Cũng có thể... mà thôi, mày hãy xem cái này..."
Nó xoay người, và rút một cái thiệp màu tím trong cặp ra.
"Tao nghĩ mày sẽ hiểu. Mà đợi tao đi hẳn hẵng đọc..."
Nó giúi thiệp vào tay tôi rồi vội vã ra khỏi nhà. Tôi nằm bất động, đầu căng ra, cố hiểu hết những điều Hà vừa nói. Từ từ tôi lần giở bức thiệp được gấp cẩn thận làm ba phần. Bên trong mỗi trang thiệp là một bức hoạ do Hà vẽ.
Hình thứ nhất hoạ cảnh hai người đạp xe sóng đôi.
Bức thứ hai mô tả một người đang nằm đắp chăn trên giường.
Trang cuối cùng vẽ người thơ thẩn một mình trong lớp học, dáng nghiêng nghiêng buồn bã. Phía dưới đề vỏn vẹn bốn câu thơ.
Bạn hôm nay vắng mặt Mình ngơ ngẩn nhớ ai Chỉ một điều khó nói Bạn cũng là con trai.
Mục lục bài viết cá nhân bổ sung https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/07/bai-viet-ca-nhan-bo-sung.html
Cái kết khó hiểu quá thầy, sao thầy không viết rõ ra luôn để người đọc được no nê. Chứ e đang bị ức chế rồi đó :))
ReplyDelete