Ngày xưa ơi: Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn

Khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường thì anh chị đều đã đi học xa nhà cả. Tuổi thơ lớn lên chủ yếu với lũ trẻ hàng xóm. 

Xóm tôi vốn xóm bình dân ngay sát chợ cóc, chủ yếu là thành phần buôn bán, nên rất đông nhi đồng. Cầm đầu bọn trẻ là mấy chị lớn học lớp 8. Vì thủ lĩnh là con gái nên các trò chơi đắt khách nhất vẫn là trò con gái, bán hàng, đánh chuyền, chơi "vợ chồng", nhảy dây... 

Tôi tuy ưa những trò con trai như công an-kẻ cướp, đá bóng, đánh bi v.v.. hơn nhưng cũng không từ các trò "phụ nữ". Đặc biệt tôi nhảy dây rất giỏi, nhảy đơn, nhảy đôi, nhảy lộn vòng đủ kiểu khiến bọn con gái phục sát đất.
 
Một trong những sự kiện lớn của trẻ xóm là các "nhạc hội" do các "chị bầu" đứng ra tổ chức. Có tập tiết mục (múa, hát, kịch câm) và tổ chức bán vé đàng hoàng. Vé thông thường là mười hoặc hai mươi tờ giấy bản. Còn những dịp "đại nhạc hội", với nhiều tiết mục hơn, thì giá vé có thể tính bằng tiền lẻ. Những lúc như vậy, tôi phải chạy ngược, chạy xuôi, kiếm cho được đủ. Cũng có khi chẳng lần đâu ra, đành đứng ngoài bờ tường ngóng tiếng reo hò vọng ra từ bên trong.
 
Rốt cuộc vận may cũng mỉm cười. Một chị, chuyên làm "talent hunter" phát hiện ra là tay tôi khá dẻo. Lập tức tôi được sung vào đội múa chim công. Tuy chẳng phải làm gì nhiều ngoài mấy động tác đưa tay lên, đưa tay xuống và nghẹo đầu, nhưng đã có thể vênh vang với những đứa chuyên làm khán giả. 

Tôi chẳng thích múa lắm, nhưng buộc phải hy sinh vì nghệ thuật thôi. Trái lại tôi rất thích hát. Bố tôi không biết sao ở đâu được mấy cái băng ca nhạc hải ngoại. Tôi đặc biệt thích đĩa Thuý Nga Paris 2, thuộc và hát được tất cả các bài trong đấy. Bài tôi hay ngâm nga nhất là "Yêu em dài lâu" của Đức Huy. Giờ nghĩ lại, vẫn mường tượng ra một thằng bé mặt non choẹt, đi không vững, mà suốt ngày lẩm bẩm "Em, anh muốn yêu em dài lâu..."


Tôi của thời Yêu em dài lâu...

Khi tôi lên cấp hai, các chị lớn... đã lớn và không thèm chơi với tụi nhãi nhép nữa. Tôi là tầng lớp kế cận và dần dần tiếm quyền, trở thành thủ lĩnh mới. 

Sau này nghe bố mẹ kể lại, tôi hồi ấy oai lắm. Phụ huynh của lũ trẻ hàng xóm suốt ngày nghe con cái về phàn nàn, đại loại như "Mẹ ơi, hôm nay anh Vũ không cho con chơi bán hàng" hoặc tệ hại hơn "Anh Vũ chẳng chịu làm... chồng con!!!". 

Các trò chơi có phần thay đổi, tuy nhiên trung tâm điểm vẫn là những buổi "biểu diễn nghệ thuật". Nhưng tôi quyết định không đi theo lối mòn của thế hệ "cũ". Biểu diễn tạp kỹ không thể là nghệ thuật "đích thực". Tôi quyết định phải dựng kịch hẳn hoi.
 
Vở đầu tiên tôi còn nhớ là "Bạch Tuyết và bảy chú lùn", do tôi tự viết kịch bản, phân cảnh, đạo diễn, thiết kế sân khấu, kiêm luôn âm thanh và ánh sáng!!! 

Tôi viết kịch bản mất cả tuần lễ, chau đi chuốt lại với khả năng văn học của một đứa trẻ lớp 6. Sau đó còn bắt cả mẹ tôi duyệt và góp ý. Nhưng viết xong rồi, vẫn thấy thiếu thiếu gì đấy. Tôi nhớ là mỗi lần đi xem cải lương hay chèo, bao giờ cũng có sử dụng một bài hát theo chủ đề, phát nhiều lần ở một số cảnh. Đúng rồi, "vở" này cũng phải có nhạc nền chứ. Lúc đầu tôi định bệ nguyên xi bài "Yêu em dài lâu" vào, nhưng thấy không hợp vì bài này "yêu nhau hiện đại" quá. 

Máu sáng tác nổi lên, tôi lại bỏ ra mấy buổi, tay chắp sau mông, đi đi lại lại, miệng lẩm bà lẩm bẩm. Đi chừng... 20 km thì cũng hoàn thành được một bài nghe nửa nhạc vàng, nửa cải lương. Nội dung khá "đẫm lệ" nhưng có hậu, cũng "tôi yêu nàng, rồi chia ly, rồi đoàn tụ" đàng hoàng.
 
Có kịch bản và "âm nhạc", tôi bắt đầu xắn tay dàn dựng. Tập trung diễn viên lại. Thằng Quỳnh và con Hằng, hai đứa kháu khỉnh nhất, sau này chuyên được đóng "kép" và "đào" chính trong các vở kịch của xóm, được phân vào vai Hoàng Tử và Bạch Tuyết. Cái Thuý, con bé "già" nhất hội (nghĩa là học kém tôi có một lớp) được giao làm Hoàng hậu độc ác. Đám quân lính và chú lùn thì dễ rồi. Ho một cái là có cả đám xin tình nguyện. 

Nhưng vì sân khấu (buồng ngoài của nhà tôi) không được rộng rãi cho lắm, nên tôi giảm xuống chỉ chọn một lính và bốn chú lùn mà thôi. Ngoài ra thêm hai đứa phụ việc để kéo phông màn và dựng cảnh. Tên vở diễn cũng được đổi cho mập mờ hơn, thành "Bạch Tuyết và mấy chú lùn".
 
Suốt hai tuần trẻ trong xóm chỉ bàn tán về mỗi "sự kiện" này. Những đứa nào được tham gia, dù chỉ là hậu trường, thì đi lại với dáng vẻ nghệ sĩ, nhìn những đứa khác bằng nửa con mắt. Còn những đứa bị ra rìa thì ra sức nịnh nọt tôi, nào là xin tặng bi, nào là hứa cho mượn truyện, hoặc đề nghị dùng nhà nó làm nơi tập kịch. Đứa nào cũng ra sức thuyết phục đạo diễn tăng thêm số chú lùn cho đông vui, thậm chí không chỉ bảy, mà tám chín cũng được, chúng nó thấy không vấn đề gì. Nhưng tôi thì thấy rõ tăng diễn viên là sẽ bớt khán giả và đương nhiên, bớt doanh thu, nên cương quyết không nhân nhượng. Bạch Tuyết thì về nhà, nằng nặc bắt bố nó sắm cho một bộ váy hồng, vì chả lẽ công chúa mà lại không có váy xịn?
 
Suốt một tuần tập luyện vất vả nhưng cũng may lại đang nghỉ hè. Tôi vừa lo gò cho diễn viên học thuộc thoại, vừa nắn chỉnh lại "diễn xuất". Nhất là mấy đoạn yêu đương, tập lên tập xuống mà hoàng tử vẫn lóng nga, lóng ngóng như mất sổ gạo, còn Bạch Tuyết thì lại điệu và mời mọc quá. 

Tuy nhiên tôi được mấy chị lớn ủng hộ, giúp làm áo kim tuyến và mũ lông công vì tôi luôn vụng về ở mấy khoản thủ công, cắt dán. Phần công phu nhất là làm phông màn. Tôi ra lệnh cho tất cả diễn viên tập trung mọi loại giấy vở cũ lại, lọc ra giấy trắng một mặt. Rồi cả lũ chổng mông lên làm gương và tường nhà bằng giấy. Thằng Quỳnh vẽ khá được chọn làm hoạ sĩ trình bày.
 
Trước ngày biểu diễn một hôm, tôi bắt đầu chiến dịch marketing bán vé. Diễn viên được huy động đến từng nhà, vận động mua vé. Và tôi đưa ra chính sách khuyến mại khá linh hoạt. Đứa nào con nhà giàu thì dứt khoát trả tiền, con nhà nghèo thì hai mươi tờ giấy. Đứa nào mua hai vé thì giảm cho năm tờ.
 
Chiều hôm diễn, tất cả tập trung ở nhà tôi để dựng phông màn. Vì cái phông nhà bảy chú lùn chiếm diện tích bằng cả bức tường nên hôm ấy, khách khứa đến nhà được bố mẹ tôi tiếp ở... ngoài sân.
 
Đêm xuống, bố mẹ tôi bị lùa vào buồng trong. Nhà ngoài trở thành thánh đường nghệ thuật. Các diễn viên được trang điểm bằng màu vẽ và son 5 xu mua ngoài hàng tạp hoá, trông cũng xanh xanh, đỏ đỏ chả kém gì Paris by night. 

Tôi cử hai đứa phụ việc ra soát vé. Khán giả chật ních nửa nhà ngoài. Ngoài đám trẻ lau nhau, có cả hai người lớn cũng mua vé. Họ chắc không phải vì lòng yêu nghệ thuật, mà rỗi việc nên muốn xem lũ ranh con bày cái trò gì.
 
Vở diễn chạy trôi chảy, với ba cảnh lớn. Khán giả vỗ tay rất nhiệt tình. Trục trặc chỉ xảy ra ở phần cuối cùng, khi hoàng tử đến cứu Bạch Tuyết sống lại... 

Bạch Tuyết được đặt nằm thiêm thiếp trên một cái bàn, đằng trước có che phông giấy. Hoàng tử thì tiến tới đứng sau cái bàn, cúi xuống, chuẩn bị... Bắt đầu giây phút quyết định thì bỗng nhiên hoàng tử khuỵu chân xuống, tay đáng ra phải nắm tay Bạch Tuyết thì lại tuồn xuống dưới bàn. Thì ra...
 
Thì ra... hoàng tử, tuy là hoàng tử, đội mũ lông công, đeo kiếm nhựa, và mặc áo thêu kim tuyến, nhưng vẫn diện quần đùi. Cậu chàng chắc có lẽ run hay thở dốc mạnh quá nên cái quần bỗng đứt chun. Thời ấy chưa có mấy khái niệm quần sịp, nên nếu mất quần đùi là... không còn gì để mất. 

Không kịp nghĩ ngợi gì, tôi nhào ngay xuống phía dưới chân bàn, giữ quần cho chàng. Có phông che nên khán giả không hay biết gì. Hoàng tử lấy lại được phong độ và tiếp tục màn yêu đương.
 
Đột nhiên tôi nghe có ai thúc phía sau lưng. Ngoái lại, thấy hoàng hậu thì thào "Hát, anh Vũ, hát!" 

Lo giữ quần, tôi quên khuấy bài hát đã chuẩn bị sẵn. 

Dự kiến là cảnh cuối, khi hoàng tử và Bạch Tuyết gục đầu vào nhau thì tôi sẽ hát vọng ra từ trong hậu trường. Thế là vẫn tư thế ngồi xổm và tay tiếp tục giữ thứ cần giữ, tôi hát. Nhưng thật khó có thể hát to và rõ ràng trong dáng ngồi như vậy. Tôi nghĩ nó tựa tiếng "be be" thì đúng hơn. 

Phía khán giả bắt đầu có phản đối "Hát to lên, hát gì mà chả nghe được cái gì cả". Tôi lo ngay ngáy, không biết có ai đoán ra tiếng hát phát ra từ đâu không.
 
Cuối cùng thì cũng xong xuôi. Hoàng tử hai tay giữ quần, ra nhún chân chào khán giả rất nghệ.
 
Hôm sau diễn viên lại tập trung để dỡ cảnh và tháo phông. Số tiền bán vé cũng được kha khá, kèm theo một chồng tướng giấy đủ để gọi bà đồng nát. Với doanh thu có được, cả đoàn quyết định liên hoan. Tôi và cái Thuý đi chợ ngay phía ngoài ngõ, lượn đi lượn lại cả chục vòng, không biết mua cái gì vừa ngon, vừa rẻ, lại vừa nhiều. Cuối cùng hai đứa quyết định mua sim. Một rổ đầy về chiêu đãi cả chục diễn viên.
 
Nếu ai đã từng ăn sim thì chắc cũng biết, sim ngon thật, nhưng ăn nhiều dễ táo bón. Hậu quả nhãn tiền. 

Ngày hôm sau, hoàng hậu hộc tốc chạy sang báo tin "Anh ơi, thằng Quỳnh [em nó] hôm nay ra nhà xí ngồi một tiếng mà không... [xin lỗi mọi người] ỉa được!

Cả đám nhìn nhau xanh mặt. Nhưng rồi hình như chỉ có mỗi hoàng tử là chịu cảnh "một tiếng" do tham ăn. Các diễn viên sau này đều thật thà khai báo lại với tôi "Em thì... ra ngay" hoặc "Em thì... mất có 15 phút thôi".
 
Mục lục bài viết cá nhân bổ sung https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/07/bai-viet-ca-nhan-bo-sung.html

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học