Ôi cái sự học (part 1)

Như đã từng đề cập, tôi là đứa khởi đầu từ chuyên Văn rồi sau đó mới sang chuyên Toán. Tuy nhiên, lần thi học sinh giỏi toán đầu tiên lại là từ khi còn học Văn, năm lớp 2. Năm đấy tôi dự thi khối không chuyên, giành giải nhất với 19.5 điểm (trên tối đa 20). Đứa giải nhì cũng là một đứa học cùng lớp, thằng Hoài béo, 17.5 điểm. Hai đứa lên nhận giải, đứng cạnh nhau hoà hợp như một số 10 tươi cười.

Đến năm lớp 6, lúc này đã học chuyên Toán, thì lại được cô giáo Văn cử đi thi giỏi văn khối không chuyên. Đây là lần thi giỏi văn đầu tiên và duy nhất của tôi. Đề thi bắt tưởng tượng và mô tả sông Lấp (tức Hồ Tam Bạc) trong thì tương lai. Bảo tưởng tượng thì trúng nghề của em rồi. Nhớ láng máng là vẽ hươu vẽ vượn kinh lắm, cực kỳ hiện đại, lung linh và lấp lánh. Ai đọc, chắc hẳn sẽ tưởng tôi viết về cuộc sống ở một hành tinh khác. Ấy thế mà cũng được giải nhì. Giải thưởng lèo tèo lắm, có mỗi ba quyển vở (chắc đứa giải nhất được 4 và đứa giải ba được 2 quyển).

Năm cuối cấp 1 là thi toàn quốc toán lần đầu tiên. Hồi đấy, thi toàn quốc là vấn đề rất trọng đại. Sở giáo dục bắt mọi thành viên đội tuyển phải nghỉ học hoàn toàn ở trường để tập trung luyện thi tại một điểm riêng trong vòng khoảng 6 tuần. Năm đấy, quận Lê Chân, Hải Phòng được 3 đứa lọt vào đội tuyển, Đức, Hà và tôi. Học đội tuyển tuy căng thẳng, nhưng lại có tiền bồi dưỡng y như công chức đi làm. Buổi họp mặt cuối cùng trước ngày thi, mỗi đứa được phát một cục tiền. Thằng bé mới 9 tuổi sướng lồi cả mắt vì chưa bao giờ sở hữu trong tay một số tiền lớn như thế. Trên đường về nhà lập tức nhỡ chân ghé vào hiệu sách và khuân luôn một chồng tướng. Xúi cả thằng Đức cùng mua. Về nhà số tiền còn lại bị mẹ tịch thu hết (may thế chứ), lại còn ăn mắng vì tội tiêu tiền không xin phép. Hôm sau thêm thằng Đức đến ăn vạ. Nó chỉ dám mua có hai quyển mà bị mẹ nó lôi ra hành xử, quật cho một trận vì cái tội "tiền ăn còn chưa có, ở đấy mà mua truyện!"

Kỳ tuyển toàn quốc cuối cấp 2 liên quan đến một tai nạn mà đã khiến tôi có vinh dự được lên TV lần đầu tiên. Giờ ra chơi, mải xô đẩy nhau trên bệ cao, tôi ngã chống tay xuống đất và phải đi bó bột. Xui xẻo là lúc gẫy tay cũng vừa đúng thời điểm tập trung đội tuyển. Địa điểm tập huấn thuộc một quận khác, hơi xa nhà, mà tay gẫy, không thể tự đạp xe được. Thế là sáng thì bố mẹ phải đèo đi, đến cuối buổi thì một đứa bạn trong đội chở về. Cứ thế gần 6 tuần, đến đúng trước ngày thi bác sĩ mới cho tháo băng.

Một thời gian sau, tự nhiên có người của đài truyền hình về phỏng vấn. Thì ra nhà đài làm phóng sự về bảo hiểm học đường, mà tôi lúc gẫy tay hình như cũng được bồi thường ít nhiều hay sao í. Thế là ra đứng ưỡn ngực trước camera, mắt nhìn thẳng, dõng dạc ca ngợi ngành bảo hiểm nào là em con nhà... hoàn cảnh, nhờ bảo hiểm giúp đỡ trong lúc... nguy ngập nên em mới vượt qua được mọi khó khăn thử thách và đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi, nào là em vô cùng biết ơn ngành bảo hiểm Việt Nam đã thế nọ thế kia... vân vân và vân vân.

Bài diễn văn (100% theo gợi ý của người lớn) tương đối dài dòng và hùng hồn, phụ huynh các cháu xem xong thì chỉ có nước vừa chấm nước mắt vừa mở ví đóng bảo hiểm ngay tắp lự, nhưng vào đến phóng sự thì bị cắt xuống còn có vài câu. (Vẫn khá khẩm hơn mẹ tôi, nhân ngày thành lập trường, mời truyền hình Hải Phòng về quay cả buổi, mất công chuẩn bị giáo án, đi uốn tóc, may một bộ đồ mới để đứng giảng mẫu một tiết, rốt cuộc lên hình đúng 2 giây mà chỉ thoáng thấy có mỗi cái lưng áo!)

Lên cấp 3, cô giáo dạy ngoại ngữ, vốn quen thân với mẹ tôi, đến vận động phụ huynh cho tôi chuyển sang chuyên ngữ vì "em thấy cháu có năng khiếu." Tôi đúng ra là thích ngoại ngữ hơn cả toán và văn, nhưng vẫn ngại vì nhòm sang lớp ngữ toàn rặt là vịt giời, khó chiều. Với lại học toán oai hơn chứ. Lúc này Hải Phòng không còn kiểu mỗi quận huyện một trường chuyên nữa, mà tập trung hết vào Trần Phú.

Kỳ thi vào 10 toán, tôi danh chính ngôn thuận là... trượt. Lý do: ngay trước hôm thi, mẹ mượn được khuôn nên thử nghiệm làm bánh xèo, ăn xong đau bụng chạy suốt đêm. Đến sáng, do vận động quá nhiều ngoài luồng không khí lạnh, tôi chuyển sang cảm tháo. Vào phòng thi nôn mửa hai lần. Lần đầu còn kịp để giám thị dẫn ra nhà vệ sinh. Lần hai, làm luôn một bãi chua lòm trong phòng thi. Giám thị nhìn tôi đầy kinh tởm, thí sinh cùng phòng công khai bịt đường hô hấp. Kết quả thiếu một điểm rưỡi so với chuẩn. Những tưởng đã phải ngậm ngùi xuống lớp chọn, nhưng sau khi trao đổi với sở Giáo dục, cô hiệu trưởng đặc cách nhận tôi theo tiếp hệ chuyên.

Cuối cấp 3, đến hẹn lại lên, tập trung đội tuyển toán Toàn quốc. Lần này còn nghiêm trọng nữa vì nếu ai lọt vào nổi đội thi toán Quốc tế thì cả thành phố sẽ được lòng mát dạ. Cái guồng máy thành tích quay tít thò lò và 5-6 thầy giáo toán tập trung vào quần đội tuyển ngày đêm. Bây giờ tham gia đội tuyển hoàn toàn là nghĩa vụ. Học sinh nào được chọn mà từ chối thì nhà trường lập tức cho thôi học và buộc chuyển trường. Các phụ huynh được đả thông tư tưởng kỹ càng. Trường mời thêm thầy có tiếng từ Tổng hợp và Sư phạm toán về phụ đạo. Sáng học ở trường, chiều học ở trường, tối học ở nhà thầy...

Tuy rầm rộ thế nhưng trong nội bộ đội tuyển, nobody give a shit. Không đứa nào hứng thú gì với chuyện thi cử vì thứ nhất: cơ hội lọt vào thi toán quốc tế là gần như không tưởng. Thứ hai: thi tốt nghiệp và thi đại học đã ngay sát sườn, nhất là như tôi, dự định thi cả khối A và D, nếu bỏ hết ngồi học toán thì không chết cũng tật nguyền.

Thế là luyện đội tuyển từa tựa như đóng kịch. Thầy đang trong lớp thì không nói. Hễ thầy rời lớp để các em tập trung suy nghĩ là phân công một đứa canh chừng, còn lại lôi sách luyện thi lý hoá ra gặm.

Một lần thứ 7, cả lớp tổ chức đi Chùa Thầy, đội tuyển Toán nài nỉ gẫy lưỡi, rốt cuộc mới được thầy chủ nhiệm cho nghỉ một ngày để vui vầy cùng chúng bạn. Hôm đấy đi tôi bị say xe ngay từ đầu và phải diễn lại màn nôn mửa. Lết được vào chùa thì trong đầu chỉ còn duy nhất một tâm niệm: cầu Phật sao cho trên đường về con đừng nôn. Có lẽ Phật cũng biết là không thành tâm nên trên đường về nôn còn ác liệt hơn.

Sáng hôm sau chủ nhật lại đúng kiểm tra thường kỳ đội Tuyển, đích thân thầy Hùng hiệu phó, phụ trách khối toán ra đề. Lịch sử ngày thi vào cấp 3 lặp lại: tôi không làm nổi một câu nào và nộp giấy trắng, lĩnh điểm 0 ngon ơ. Hôm sau nữa vinh dự được cô hiệu trưởng gọi lên làm vấn đề tư tưởng, thăm dò xem có phải học sinh này cố ý "đình công" không.

Thành tích cuối cùng của tôi trong những năm học phổ thông là đạt điểm cao nhất trường trong kỳ thi thử tốt nghiệp. Đáng nói là vì thi thử đề khó và coi nghiêm túc hơn thi thật rất nhiều. Ví dụ thi thật, điểm 10 nhiều như sung rụng, nhưng thi thử, môn ngoại ngữ cả khối chỉ có đúng 2 nhân được tối đa. Một là một con bé lớp Văn và hai là tôi, lớp Toán. Bên lớp Ngữ tay trắng. Cô giáo ngoại ngữ về sau cứ nhắc đi nhắc lại sự việc này như một bằng chứng nhục nhã của bọn lớp Ngữ. Còn tôi sau này nghĩ lại, đây hẳn là điềm Trời báo ngoại ngữ mới đúng là cái nghiệp của mình.

Qua được cái nạn cấp 3, hai năm đầu đại học là thời gian chơi bời kinh khủng nhất. Ai mới vào đời chẳng thế nhở. Mặc dù ngày một buổi học Bách Khoa, một buổi học ĐH Ngoại ngữ, nhưng tối nào cũng theo bọn cùng phòng trèo tường qua bên ĐH Xây Dựng xem phim chưởng đến một hai giờ sáng. Có hôm còn kéo nhau ra công viên Lê Nin rình người ta... ấy nhau, hoặc đạp xe vào tận Hà Đông vì nghe nói có chiếu phim... man mát. Thời gian này, chỉ khi nào sắp thi cuối kỳ thì mới ló mặt lên thư viện buổi tối.

Hồi đó, môn tôi khiếp hãi nhất là Vẽ kỹ thuật. Vì khả năng tưởng tượng hình không gian kém đến mức đáng kinh ngạc, nên tôi nhìn vào bản vẽ kỹ thuật là chỉ thấy một mớ đường ngang nét dọc, không thể hình dung nổi ra hình khối thế nào. Kết quả: 3 điểm môn vẽ kỹ thuật kỳ 1. Đi thi lại phải kéo theo thằng bạn hỗ trợ vì biết nếu tự lực cánh sinh là chắc chắn trượt tiếp. Được cái trông thi lại rất lỏng lẻo, nên tôi tuồn đề được ra ngoài. Thằng bạn ở ngoài phác thảo hướng dẫn rồi quẳng vào trong. Có điều ngu quá nên xem đáp án của nó mà vẫn không hiểu là phải làm thế nào. May sao quãng thời gian cuối cùng, cô trông thi bỏ ra ngoài làm gì đấy, thằng bạn sốt ruột nhảy luôn vào phòng thi, vẽ hộ được một lúc. Kết quả: 5 điểm, qua được bể khổ. Vẽ kỹ thuật kỳ 2 ăn tiếp con 3. Nhưng vì sinh viên tốt nghiệp được quyền nợ ba trình nên tôi kệ, chả buồn thi lại.

Ra trường, tôi làm quản trị mạng cho Bộ Tài chính, đồng thời nhận thêm chân biên dịch cho World Bank. Với rate thời điểm đó là 7 USD/trang, cái nghề tay trái lại là nguồn thu nhập chính của tôi. Làm cho Bộ, tuy tiền bạc lèo tèo, nhưng bù lại, được đi đó đây nhiều và mỗi lần về tỉnh công tác thì oai như cóc.

Cũng nhờ làm nhà nước mà mới kiếm được học bổng làm thạc sĩ ở Singapore. Tôi chọn đề tài về Web tracking, cũng khá thú vị. Vấn đề bực mình là vớ phải đồng chí supervisor tính củ chuối. He was simply mean. Dưới quyền cai quản của lão, ngoài tôi còn mấy thằng Trung Quốc nữa. Đứa nào cũng kêu như cha chết mẹ chết, nhưng bọn kia hễ cứ thấy bóng thầy là len lét như rắn mồng Năm, chỉ có tôi dám phản ứng lại. Có lần tức quá còn bảo thẳng lão: cũng lắm thì tao bỏ hết, đi về Việt Nam. Được cái, lão này cứ tôi điên lên thì lại xuống nước.

Ghét nhau đến nỗi khi bài báo đầu tiên từ luận án của tôi được chấp nhận trình bày tại một hội thảo ở Trung Quốc, lão thầy, người đương nhiên là được trường cho tiền đi, hỏi tôi có muốn xin tiền của khoa để đi cùng không, tôi NO thẳng thừng luôn, trong bụng nghĩ "Mấy ngày liên tục phải đi với ông thì tôi thà ở nhà còn hơn..."

Bài báo thứ 2 từ luận án được chấp nhận đăng trên một tạp chí của Anh, rồi được nhận Award for Excellence của năm. Lúc đấy tôi đã ra trường và đang làm cho một công ty tin học của Sing. Thư thông báo về giải thưởng lại gửi theo địa chỉ khoa. Không hiểu lão supervisor thế nào mà đến đầu tháng 5 mới forward sang cho tôi. Mở ra thì ngày trao giải là 21/4 tại Luân Đôn. Tiếc hùi hụi vì bà chị tôi hồi đấy đang làm sứ quán Việt Nam ở UK, sang thăm chị được luôn thì quá tốt.

Tuy nhiên, thời điểm này cũng là lúc tôi cảm thấy không còn tha thiết sự nghiệp tin học nữa. Làm tuy ra tiền thật, nhưng trách nhiệm thì có, đam mê thì không. Tôi quyết định chuyển hẳn sang ngôn ngữ và bắt đầu nhắm con đường sang Mỹ...

Link tới part 2: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/11/oi-cai-su-hoc-part-2.html  

Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html

Comments

  1. Em ngưỡng mộ thầy, quý thầy vô cùng tuy em mới chỉ học thầy có 1 hôm methods. Em sẽ ghi nhớ lời dặn của thầy để nghiên cứu, tìm tòi, làm sao để học sinh gọi mình là "thầy" đúng nghĩa.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học