Ôi cái sự học (part 2)

Phần dễ nhất trong quá trình chuẩn bị cho du học là kỳ thi tiếng. Do đi Mỹ nên tôi chọn thi TOEFL (tại thời điểm 2003 cũng popular hơn IELTS rất nhiều).

Nhân thể, tôi ôn lại chút lịch sử thi TOEFL hoành tráng của bản thân. Tôi thi tất cả 3 lần, 2 lần đầu là TOEFL PBT và lần cuối là TOEFL CBT.

Lần đầu tiên là institutional TOEFL do một tổ chức khuyến học kết hợp với sứ quán Mỹ tổ chức ở Việt Nam, mời cả một giáo sư từ Mỹ sang giám sát. Hồi đó (thời phần lớn học viên giờ đang là sinh viên đại học của tôi còn chưa sinh ra), TOEFL còn là cái gì rất mới với cộng đồng học tiếng Anh và chúng dân cực kỳ ảo tưởng về sức mạnh của điểm thi này. Chỉ cần đạt 500 (trên tối đa 677) là bạn đã có thể đi Mỹ, chúng tôi tin vậy đấy.

Kỳ thi đó tôi đứng thứ 2 với 597 điểm (người đứng đầu là một giảng viên khoa Anh của Hanu với 600 điểm). Lúc đó tôi đã có bằng Hanu nhưng vẫn đang là sinh viên năm cuối Bách Khoa. Cả khoa Điện Tử Viễn Thông đồn ầm lên: thằng Vũ đi Mỹ đến nơi rồi. Mà hồi đó, đã nói đi Mỹ thì đinh ninh là chỉ có đi... Harvard ;)

Chờ đợi khắc khoải nhưng không thấy ai mời đi Mỹ, tôi đành... đi làm. Sau đó, để nhận học bổng sang Sing, tôi thi lại TOEFL PBT, kỳ thi chính thức, và được 623/677.

Giờ để đi Mỹ, tôi thi lại lần cuối, format đổi thành TOEFL CBT và đạt 283/300 (nếu chuyển đổi thì tương đương với 657/677 PBT hoặc 116/120 iBT hoặc 8.5/9.0 IELTS, link tính chuyển đổi: https://www.graduateshotline.com/toefl/score-conversion.html & https://www.manhattanreview.com/ielts-to-toefl-score-conversion/).

Mặc dù điểm TOEFL của tôi khá ấn tượng so với mặt bằng chung của người học tiếng Anh ở Việt Nam, nhưng cũng không hẳn là niềm tự hào (giờ tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy nhiều học viên nhìn các thầy 8.0/8.5 IELTS với con mắt dành riêng cho siêu nhân). Ảo tưởng về sức mạnh của điểm thi này đã xóa từ lâu. Nó chỉ đơn giản là một kỳ thi về khả năng tiếng để chứng minh bạn có thể survive trong môi trường học thuật bên kia. Nó không thật sự nói lên điều gì đáng kể về khả năng sáng tạo, tư duy phân tích, phản biện, nghiên cứu v.v... của bạn hết. Nói thẳng ra: các thầy cô bản ngữ dạy IELTS có tiếng trên mạng chưa chắc đã vào nổi chương trình Master của các trường top.

Nếu có đáng nhắc đến thì chắc chỉ là điểm viết. Bạn nào từng thi bất kỳ một kỳ thi tiếng chuẩn hóa nào chắc đều cảm thấy, khi tới một level nhất định, kỹ năng khó nhất để lên điểm tiếp luôn là writing, phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức tổng hợp và tư duy viết.

TOEFL CBT thời đó tính điểm viết tách biệt. TWE (Test of Written English) score của tôi đạt tối đa 6.0/6.0. Để hình dung điểm này khó đạt thế nào, chỉ có 1% (percentile rank: 99%) số người dự thi TOEFL trên toàn thế giới đạt tối đa phần TWE; và cũng chỉ có 2% (percentile rank: 98%) đạt từ 5.5 trở lên (tham khảo TWE ranking tại trang 19, https://salehsalmanblog.files.wordpress.com/2016/03/toefl-sum-2010.pdf)

Điểm TOEFL thừa đủ, nhưng muốn hy vọng có học bổng ở Mỹ thì điểm GRE cần phải tương đối. Với ai chưa biết thì GRE (cũng như MCAT hay LSAT) là một dạng aptitude test mà người muốn xin học cao học ở Mỹ (kể cả người Mỹ) đều phải kinh qua (version tương ứng dành cho cấp đại học là SAT). Đây là một kỳ thi rất khó và không cứ gì người nước ngoài, bọn Mỹ nhắc đến GRE là mặt xanh lét.

Dạo trước khi sang Sing, lúc còn bồng bột và cũng chưa thật sự hiểu mình muốn gì, tôi có hứng lên đi thi một kỳ thi tương tự dành cho MBA là GMAT. Thời đó Internet còn chưa phát triển, tài liệu học cho kỳ thi này ở Việt Nam gần như không có gì, giáo viên dạy/lớp luyện thi lại càng không. Tôi may mắn xin được một cuốn hướng dẫn chuẩn bị GMAT Official Guide của một anh Việt Kiều, nghiền ngẫm tầm 1 tháng, làm thử mấy cái đề mẫu trong đó, rồi vác mặt đi thi.



Kết quả được 730, vừa đủ để lọt vào top 1% tại thời điểm ấy. Chú thích: đây là ranking của hơn 20 năm trước. GMAT chắc cũng có grade inflation nên học sinh lớp THIỂU của tôi mấy năm gần đây để vào được top 1% phải đạt điểm 760.

Lý giải của bạn Bùi Nguyên Công (760 GMAT, giáo viên luyện GMAT)
về hiện tượng lạm phát điểm của kỳ thi này

Anyway, lũ đồng nghiệp ở cơ quan (đang ôm mộng học MBA ở Mỹ) xếp hàng mượn quyển sách kia đi photocopy để... lấy may. Nhưng bản thân khổ chủ thi xong rồi thì... vất đấy :) (đến giờ thật sự tôi vẫn không biết lúc đó tôi thi để làm cái gì!!!)

Nhưng lần này thi GRE, đã biết chính xác mình muốn gì và quyết tâm phải đạt điều mình muốn, tôi bế quan luyện công mấy tháng ròng, ngoài giờ làm ra, chỉ có học và học. Không chat, không email, không clubbing. Ngày thi sát ngay trước Noel và buổi thi kéo dài tổng cộng khoảng 4.5 giờ đồng hồ. Thi xong là mắt hoa hết cả lên, người rũ xuống như quả chanh bị vắt kiệt.

Nhưng đến lúc màn hình hiện ra điểm số thì không còn tin vào mắt mình nữa. Phần Quantity: tối đa 800 trên 800, phần Verbal: 770 trên 800. Điểm này có quyền tự hào bởi vì 99% người dự thi GRE trên toàn thế giới tại thời điểm đó (kể cả người ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh và ở trình độ giáo dục cao học) đạt Verbal dưới 730 (có thể tham khảo nếu muốn chuyển điểm từ hệ 800 sang hệ 170 tại đây https://www.qsleap.com/gre/resources/old-gre-to-new-gre-score-conversion).

Như vậy điểm này giúp tôi đạt cú hat trick (cùng với GMAT & TWE) 3 lần vào top 1% worldwide về một cái gì đó 🙂 (Do I look proud enuff?)


Ra khỏi nơi thi mà như đi trong sương mù, nhìn phía trước tưởng như cõi cực lạc, gặp ai cũng muốn ôm để chia sẻ niềm sung sướng. Về đến nhà rồi mới thấy lạnh xương sống vì... nhỡ đâu mình quáng gà, nhìn nhầm điểm số.

Mặc dù điểm số thời đại học khá ệ (Bách Khoa tốt nghiệp Khá, Hanu tốt nghiệp Trung Bình, lý do tại sao - xin mời đọc part 1), nhờ thành tích lúc đi làm + strong LORs + các loại điểm thi cao + background chuyên nghiệp về IT ở cả mảng networking lẫn software engineering (những kỹ năng mà bất kỳ khoa nào, trường nào bên kia đều cần), tôi xin được học bổng toàn phần cho khóa Thạc Sĩ về Applied Linguistics, một chuyên ngành vô cùng khan hiếm fund. Thời gian học Master tôi đã chia sẻ thêm ở note Texas xa rồi, Texas ơi https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/texas-xa-roi-texas-oi.html).

Học Thạc sĩ mới chỉ là bước tiếp theo. Đích đến của tôi là PhD. Tại sao tôi chọn cấp bậc này dù dự định chỉ là trở thành giáo viên dạy tiếng Anh? Vì tôi không muốn ăn sẵn phương pháp của người khác, mà muốn tự mình phát triển một hướng đi riêng.

Để có thể xin học bổng PhD, tôi cố gắng dữ dội ở mọi phương diện. Kết quả 12 môn, 7 môn A+ và 5 môn A, GPA: 4.0. Phần thesis (kiểm tra tính khả thi của phần mềm quản lý từ vựng PVO mà các bạn học trong lớp TẠP) được giáo hướng dẫn đề cử giải Graduate Achievement Award. I didn’t win :( (Do I look bitter enuff?)


Lên PhD thì thụt lùi một chút (một phần do school policy ko có điểm A+, một phần cố nữa cũng làm đếch gì, tôi đã quyết học xong chắc chắn sẽ về Việt Nam đi dạy), 13 môn, 11 môn A và 2 môn A-, GPA: 3.949.

Môn A- đầu tiên là xứng đáng do ngu, chưa học Syntax mà đã đăng ký Advanced Syntax (chỉ vì nó được offered trước), kết quả suốt cả kỳ cứ mơ mơ màng màng.

Môn A- thứ 2 thì do bất cẩn. Tất cả các assignment trong kỳ đều A, bài thi cuối kỳ làm tốt, cũng ăn chắc A nên lập tức kiện ngược giáo. Giáo bảo: tao yêu cầu bài cuối kỳ phải có abstract ở đầu, mày quên thì A- là đúng rồi (đời thủa nhà ai bài thi cuối kỳ cũng phải có abtract ko????). Giờ vẫn hận môn này.


Thời gian học Ph.D. tôi đã chia sẻ thêm ở note Cô ơi em nhớ cô (part 2) https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/co-oi-em-nho-co-part-2.html.

Điều khiến tôi thấy mình đã quyết định đúng khi bỏ tới 7 năm để lấy bằng PhD là tôi may mắn được tham gia một chương trình thuộc hàng top về linguistics của Mỹ với đa số các prof trong khoa đều là những tên tuổi trong lĩnh vực của họ. Vì thế chương trình học được thiết kế rất toàn diện, trang bị cho tôi đầy đủ những kiến thức cần thiết (tham khảo: Bàn về sense of purpose trong dạy tiếng Anh link: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/12/ban-ve-sense-of-purpose-trong-day-tieng.html), tạo tiền đề để xây dựng THIỂU, điểm khởi đầu cho sự nghiệp gõ đầu trẻ Anh Văn ở quê nhà sau này.

BONUS.

Thẻ công chức + 3 thẻ sinh viên cao học (thẻ sinh viên đại học chả giữ được cái nào)


3 hình tiếp theo: Bằng tốt nghiệp MSs, MA và PhD


Riêng bằng PhD thì phải trình độ cỡ Post Doc đọc mới hiểu 
(tôi chưa học Post Doc nên đương nhiên ko hiểu)

Bảng điểm MSc: chương trình là By Research nên chỉ phải học tượng trưng một môn
 và chỉ cần pass, ko có điểm (thích học những chương trình kiểu này thế!)

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học