Texas xa rồi, Texas ơi
Khi sang Mỹ vào năm 2004, tôi trước tiên học thạc sĩ về ngôn ngữ ứng dụng tại Texas Tech University ở Lubbock, một thành phố nhỏ trên cao nguyên thuộc bang Texas.
1.
Cứ đến Thanksgiving là chairman của khoa Ngôn Ngữ lại tổ chức party, mời tất cả các sinh viên trong khoa (những người học xa nhà và không có chỗ nào để đi cả, a.k.a. the orphans) đến nhà ăn một bữa theo đúng truyền thống Thanksgiving (turkey, baked potato & whatnots).
Trước buổi party đầu tiên tôi được mời tham dự, giám đốc Language Lab, sếp trực tiếp, gọi tôi vào làm công tác tư tưởng. Sếp bảo: Vũ, mày đến dự party thì nên chuẩn bị tinh thần. Nếu thấy có điều gì bất thường thì cũng đừng lo lắng. Bởi vì trưởng khoa là... (dừng lại, hạ giọng để tăng kịch tính) openly gay!!!
Tôi hơi tròn mắt, miệng mở ở khẩu độ vừa phải, tỏ vẻ vừa bất ngờ, vừa có chút dè chừng (giờ nghĩ lại thấy mình diễn hơi sâu, với lại lúc đấy còn chưa biết chính sếp cũng là gay). Dù được cảnh báo trước, tôi vẫn choáng thật sự khi đến nơi.
Khắp nhà, kín 4 bức tường ở tất cả các phòng treo, dán, dựng, kê đủ các loại tranh, lịch, tượng khoả thân của nam giới. Nhiều khi chỉ vẻn vẹn hình tạc một cái "đó" treo lủng lẳng, gió thổi vào lại đung đưa, lúng liếng đầy khiêu khích. Trong khi lũ bạn chỉ chỏ, cười rinh rích trước một "tư thế" độc đáo thì tôi đỏ mặt rất chính đáng, theo kiểu nhìn vào vẫn ngượng: eo ôi, em chưa thấy cái đấy treo như thế bao giờ... Texas là nơi khá conservative mà ông này dám làm vậy, lại lên nổi chức chairman của cả một department lớn, kể cũng thật bản lĩnh.
Nói chuyện gay, khoa tôi phải nói là mật độ cao hơn bình thường. Bản thân sếp trực tiếp và chàng chief of staff của văn phòng khoa, cấp trên của lão, cũng là một cặp và đã sống chung với nhau cả mấy năm nay (đến tận năm 2 tôi mới hóng được vụ này). Có đứa bạn giải thích: học chuyên về ngôn ngữ mà lại là con trai thì đa phần là có... vấn đề. Hm, vấn đề gì chứ? I have no... vấn đề.
2.
Texas Tech cho tôi cơ hội lần đầu tiên tham dự một cuộc hội thảo chuyên ngành tại Mỹ với tư cách diễn giả. Tôi trình bày về hiệu quả ứng dụng phần mềm PVO trong việc quản lý từ vựng tại trường California State University (CSU) at Monterey Bay.
Như mọi lần đầu tiên khác, tôi chuẩn bị kỹ càng lắm, mang theo cả bộ complet Ý 10 năm mặc được vài lần. Phải mang cà vạt lên Language Lab nhờ mấy chị mát tay thắt nút hộ. Từng người, từng người thay nhau bắt tôi đứng vẹo cả cổ mà vẫn không xong nổi. Ai cũng kêu tao làm việc này lâu rồi, giờ không nhớ nữa!!! Cuối cùng xui tôi ra nhờ sếp vì lão này mỗi ngày lại thấy đeo một cái cà vạt mới.
Sếp ngoẹo đầu nhìn cà vạt một lúc, khen đẹp rồi bảo nhưng phải có gương, tao soi vào mới làm được. Cả đoàn rồng rắn kéo sang phòng cách âm, ở đấy có một cái gương toàn thân. Mất 20 phút thì cũng xong. 2 phút thắt nút, 18 phút sếp... soi gương.
Đến giờ sắp đồ ra sân bay. Hộ chiếu (checked), vé máy bay (checked), hotel booking (checked), áo complet (checked), cà vạt (checked), sơ mi cổ cồn (checked), giày lười (checked), sịp lưới... (ngần ngừ... thôi đi hội thảo, không cần mang theo... hai cái), đồ ăn vặt (ngược với sịp, phải mang nhiều gấp đôi vì đi cùng bà giáo hướng dẫn.)
Ngày hội thảo đầu tiên. Tôi giở complet ra mới thấy cái quần bị con gì nhấm ngay một vết rất mất nết ở gần đũng. Thế này thì phải đi đứng khép nép mấy ngày tới, chứ không thể tênh hênh kiểu tơ hơ hơ được... Khép thì khép, nhưng hơi phí sịp lưới.
Trường CSU rộng bát ngát mênh mông, cỡ một huyện ở Hà Nội. 8h sáng bắt đầu đăng ký, mỗi người được phát một tập tài liệu và một cái thẻ đề tên đeo trước ngực. Riêng ai thuyết trình thì có gắn thêm một dải băng xanh có chữ Presenter rất oai. Tôi nhìn quanh thấy đa phần không có băng xanh nên cảm thấy hơi hơi hãnh diện, tí tí lại đưa tay vuốt vuốt cái băng dán trước ngực.
Cuối ngày đầu tiên, bà giáo nán lại tám với một đám giáo sư mới quen làm tôi đợi sốt cả ruột. Trong đấy có một lão công hình như develop a very unhealthy interest đối với giáo nhà. Đầu hói bóng nhoáng lại cứ cúi sát sàn sạt ngực chị giáo để nghe cho rõ. PS. Giáo nhà gốc Phi, người vốn to, cái gì cũng to và... probably đen, lại chỉ thích mặc quần áo bó sát nên nhìn cứ cuồn cuộn toàn khúc là khúc.
Giáo nhà đắc chí cười khùng khục, ngực rung bần bật. Mãi rồi hai bên cũng lưu luyến chia tay. Cô trò ra ngoài tìm taxi thì thấy một bà trong ban tổ chức đến đề nghị cho cả hai đi nhờ về khách sạn. Tiếp đấy lại còn đề nghị sáng hôm sau đón đi tiếp và chiều hôm sau khi đưa về sẽ tranh thủ một tour vòng quanh để giới thiệu thành phố. Ôi người đâu có người tử tế thế.
Trên xe, bà tử tế và chị giáo tiếp tục huyên thuyên, còn tôi thì ngắm cảnh là chính và mơ màng về một nơi xa lắm... Cái tự nhiên bà tử tế nói một câu, giật tôi bắn về hiện tại "This morning, when I saw you coming in, you looked so pretty..." Chết, đến mức khen giáo nhà xinh thì bà này hoặc là vô cùng tốt bụng và độ lượng (cỡ Melanie của Cuốn theo chiều gió), hoặc có nguy cơ develop an even unhealthier interest với chị giáo. Whatever!!! Xe chạy ra một con đường dọc theo bờ biển, the landscape was stunning and I was lost in my fantasy again.
3.
Ngày hội thảo thứ 2. Ăn sáng cùng bà tử tế và bà giáo. Bà giáo hình như làm quen với người tử tế nên cũng đâm ra tử tế, tự nhiên khen tôi hết lời với bà kia. Nào là nó smart, nó hardworking, nó technology savvy blah blah blah. Bà kia cười "So that's why you bring this kid along to the conference." Excuse me? It's my presentation and I am the one who brings her along.
Ăn xong thì ngài giáo sư "nhòm ngực" hôm qua bước vào vồn vã chào mời. Nhìn hai anh chị đầu mày cuối mắt, tôi phát hiện ra một ưu điểm mới của giáo nhà (divorced, with three kids): rất biết tạo điều kiện cho các anh tán tỉnh.
Sau đấy tôi dự buổi thuyết trình của một chị, trình bày về cách làm subtitle cho video học ngoại ngữ. Xong phần nói, đến phần demo thì bị trục trặc, làm chị toát hết mồ hôi. Chả nói chả rằng, chị cởi phăng áo vét ngoài. Bên trong chị mặc mỗi cái áo bó mỏng dính, to hơn bra nhưng nhỏ hơn áo hai dây. Well, while this did not make the software problem go away, it certainly helped by creating a diversion (sorry, cứ mỗi lần bối rối quá tôi lại tự động chuyển sang tiếng Anh).
Lông mày các nữ giáo sư nhướng lên chừng một phần tám li còn các nam giáo sư thì nhẹ nhàng phủi vài hạt bụi trên kính mắt. Tôi chưa đủ lịch duyệt giang hồ nên phản ứng không được tinh diệu như thế. Mắt suýt thành chữ O mà mồm thì nhềnh nhệch chữ A. Hai chân quên mất nhiệm vụ cần phải "khép nép" mà trở về tư thế tự nhiên theo hình chữ W... So visually and literally, I made a big WOA... I'd better stop before everybody sees that slutty hole in my crotch...
Buổi chiều đến phiên tôi trình bày. Bà giáo ở dưới chụp hình lách cách. Nhưng kỹ năng kém, phòng lại tắt đèn bật máy chiếu nên nhìn cái nào cái đấy tối mò như đang ở trong động. Nói chung phần của tôi khá suôn sẻ (chưa phải sử đến chiêu taking off anything mà vẫn hút khách), hơi bị cháy giờ một tí nên càng về cuối càng phải tăng tốc máy khâu và chỉ đủ thời gian trả lời một nửa số câu hỏi.
Phần thú vị nhất của ngày thứ 2 là chuyến đi thăm quan thành phố mà bà tử tế đã hứa. Không ngờ Monterey Bay lại đẹp thế. Địa hình khá giống Đà Nẵng, có núi đồi liền kề với biển. Kiến trúc thì cảm giác gần một thị trấn nhỏ của châu Âu hơn là Mỹ. Chiều tà, bà tử tế gợi ý cả ba người ra khu Asiloma để ngắm sunset. Biển ở đây tuyệt vời, nước ngời màu xanh ngọc, và sóng đập vào bờ, vỡ ra trắng xoá đến nao lòng. Bà giáo và bà tử tế đứng trên cát nói chuyện. Tôi mò ra tận sát mép sóng, trèo lên một tảng đá, ngồi nhìn ra xa xa. Gió mát như ve vuốt, tôi nhắm mắt, cảm thấy chỉ còn lại mình với biển, và một cảm giác yên bình khó tả.
4.
Ngày hội thảo cuối cùng tôi không tham dự vì khoa chỉ tài trợ tiền ăn ở có hai ngày mà tôi thì chưa đủ nhiệt huyết để tự bỏ tiền ra hy sinh cho khoa học. Sáng 4h30 đã phải dậy để chuẩn bị ra sân bay. Thời tiết xấu, trời mưa tầm tã. Đi một đoạn từ cửa khách sạn ra đến taxi mà ướt sũng hết cả. Monterey có lẽ buồn khóc tiễn chân hai con người tử tế. Chính xác hơn là một người vô cùng tử tế và một bà giáo bắt đầu biết tử tế...
Xuống sân bay Los Angeles, nhìn đồng hồ thấy còn gần 10 phút nữa mới đến giờ boarding cho chuyến tiếp tới Dallas, tôi ghé qua Burger King mua tạm cái gì ăn sáng. Nhưng cái order của tôi bị misplaced, thế là chờ đợi rồi đôi co mãi với đám phục vụ mà vẫn không lấy được đồ ăn mặc dù tiền thì đã trả. Đến khi sực nhớ ra, nhìn đồng hồ thì đã quá muộn. Bỏ của chạy lấy người, tôi tất tả quay trở lại cửa ra máy bay thì cửa đã đóng từ bao giờ.
Về sau nghe bà giáo kể lại thì trong khi tôi đang cãi cọ với đám Burger King, bà giáo cũng made a scene at the boarding gate. Like teacher, like student, they'd say. Finall call vài lần rồi mà bà í nhất định không chịu lên máy bay, đứng lỳ ở gate, gào ầm ĩ "No, I'm traveling with someone else. He's my student. I can't leave him alone here..."
Với cái kiểu đấy, mọi người chắc tưởng bà này dạy tiểu học và học sinh vẫn còn đang tuổi ị bô (but it's nice of her to stand up for me like that). Cuối cùng nhân viên hãng hàng không cũng thuyết phục được bà giáo lên máy bay với lời hứa như đinh đóng cột "We'll put him on the next flight out!" Tuy nhiên do đang đúng kỳ spring break của các trường ở Cali nên chuyến bay tiếp theo cũng đã đầy. Tôi được book lại một chỗ ở chuyến bay tiếp nữa, sau đấy gần ba tiếng, ngồi hàng very cuối (nghĩa là người mà ngồi sau tôi là đang ngồi trong toalet).
Rốt cuộc thì cũng xuống đến Dallas chậm hơn 3 tiếng (may mà chuyến bay nối tiếp về Lubbock lại cách những 4 tiếng nên không vấn đề gì), thấy bà giáo nhấp nhổm ngay ở cửa ra. Cô trò gặp lại mừng mừng tủi tủi sau mấy giờ xa cách, nước mắt nước mũi sụt sùi (nước mũi nhiều hơn nước mắt). Final conclusion: She does care for her students... (and bald male professors too!)
5.
Lần đầu tiên tôi được diện kiến hiệu trưởng trường mình là khi... tốt nghiệp. Một giáo sư sắp đến tuổi về hưu, nhưng còn rất phong độ. Da đỏ au, trán hói bóng loáng, ánh lên những uyên bác. I wouldn't mind kissing him (on the forehead, of course).
Mấy cô cậu sinh viên được vinh dự lên phát biểu cảm tưởng thì ôi thôi... ca ngợi trường cứ là không tiếc nhời. Chị chàng lên phát biểu cuối cùng hết thứ để ngợi ca thì thậm chí vác cả bầu trời ra tô điểm: em chưa từng thấy bầu trời ở nơi đâu đẹp và độc đáo như bầu trời nơi đây. Hm, muốn độc thì cứ sang VN ngắm bầu trời tựa tranh sơn dầu (vì ô nhiễm) của đất Việt. Có lẽ tôi cũng nên xung phong lên nêu cảm tưởng: em chưa từng thấy hiệu trưởng nơi nao đẹp lão như hiệu trưởng nơi đây...
Sắp về hẳn nên đứa nào đứa nấy bận rộn với đủ chuyện. Thi cuối kỳ, cắt hợp đồng điện thoại, Internet, nhà, tài khoản ngân hàng, kiếm việc làm... Ai có xe ô tô hay đồ đạc gì giá trị thì lo bán cho nhanh (xe ô tô sinh viên mua lại đồ cũ của nhau nên thường xuyên có tình trạng mua 2000 bán lại 1800). Phải suy nghĩ nhiều nhất có lẽ là các đôi yêu nhau khi đang học ở đây.
Xa nhà, thiếu thốn tình cảm, nên đám sinh viên, đặc biệt là bọn con gái, rất tiện fall in love. Trong lớp tôi hơi thân với 5 đứa con gái thuộc 4 quốc tịch khác nhau. Ngay sau học kỳ 1, trừ mợ Trung Quốc đã trót có chồng (ở nhà), cả 4 nàng đều sắm người yêu "tại chỗ" và đều tình "không biên giới". Hai mợ Nhật, một yêu Trung Quốc và một yêu Mỹ, mợ người Đức yêu Mexico, còn mợ Tunisia thì yêu Marốc. Xét nét mà nói mợ Trung Quốc không khéo cũng ăn phở ngoại chứ chẳng đùa. Nghi lắm vì chồng thì ở tít Đại Lục mà thi thoảng thấy "hai má em bừng đỏ" không rõ nguyên nhân.
Đến giờ tốt nghiệp, ai trở về nước của người ấy, kể cũng ngậm ngùi... Đôi Tunisia - Marốc đã chính thức chia tay, còn đôi Nhật - TQ có tương lai hơn vì chàng quyết tâm học tiếng Nhật và tìm việc làm ở Nhật. Tôi và con bé người Đức, thân với tôi nhất vì làm cùng lab, đều xin được học bổng để học tiếp PhD tại Mỹ. Nó rất quan tâm đến chuyện bạn gái của tôi thế nào (nên đôi khi cũng ân hận là nói dối nó), suốt ngày đòi xem hình (hm, xinh lắm, nhưng lại có một thứ thừa ra nên không tiện cho xem), và cứ dặn đi dặn lại là khi nào cưới thì phải báo, tao sẽ sang dự và nhân thể du lịch Việt Nam luôn. Bao giờ tôi cưới nhỉ, có ai trả lời hộ câu này không?
Anway, lúc đang học thì lúc nào cũng chỉ muốn thoát khỏi cái nơi buồn chán này. Giờ sắp đi hẳn, nhìn cảnh bàn ghế giường tủ ngổn ngang khắp hành lang, thì bỗng dưng thấy lưu luyến. 2 năm chứ ít gì.
Khi ta ở - chỉ là nơi đất ở...
Chuyện về các giáo ở Texas Tech https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/co-oi-em-nho-co-part-1.html
Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html
Comments
Post a Comment