Cô ơi em nhớ cô (part 1)

Khi tôi vào học chương trình thạc sĩ về Applied Linguistics ở Texas Tech vào năm 2004, tất cả international student đều phải thi kiểm tra lại tiếng Anh đầu vào, bất kể điểm TOEFL/IELTS hiện có là bao nhiêu (theo như prof của tôi kể thì đã có lần, bộ phận xuất nhập cảnh sân bay gọi điện về trường để xác nhận trường hợp một thí sinh nhập học người Trung Quốc đang bị ách lại không cho nhập cảnh. Mặc dù xuất trình chứng chỉ TOEFL với điểm số khá cao, người này đã gần như câm & điếc khi qua cửa khẩu, không thể trả lời những câu hỏi đơn giản của immigration officer).

Buổi thi Writing, do bàn của tôi bề mặt hơi bị lồi lõm nên tôi kê thêm một tập giấy dưới bàn cho dễ viết. Đang hí húi thì tự nhiên có người nhẹ bước đến sau lưng, giật phắt tờ giấy tôi đang viết để xem bên dưới là cái gì. Đúng kiểu bắt quả tang quay cóp của thời cấp ba. Người giật là cô S, associate professor của khoa tôi kiêm director of the Academic ESL Program, và cũng là người chủ trì trông thi buổi hôm đó. Ân tượng mạnh đầu tiên của tôi về giáo sư Mỹ là vậy đấy...

Chương trình học của tôi bao gồm 36 credits hay 12 courses, chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ học 3 courses. Quen với kiểu Việt Nam mỗi kỳ học 5-8 môn, bạn có thể nghĩ 3 môn là quá nhẹ. Không hề. Bài cần đọc cho mỗi môn mỗi tuần xếp thành chồng, chưa kể đủ loại tiểu luận phải viết. Thời gian đầu, tôi thậm chí ngồi toalet vẫn còn cắm mặt vào đọc bài (dẫn tới cảm giác những thứ mình... cho ra cũng trí tuệ lên từng ngày).

Theo dự định cá nhân, tôi xin học luôn 4 courses/kỳ để tốt nghiệp sớm, nhưng cô S nhất định không đồng ý. Cô bảo thẳng "Cậu đừng quá tự tin vào cái điểm GRE của cậu. Khối lượng 3 môn/kỳ đã rất nặng với sinh viên năm 1 rồi. Nếu sau kỳ đầu tiên mà cậu survive được, tôi sẽ xem xét".

Một phần cũng vì câu này mà tôi dốc sức nỗ lực. Kết quả kỳ đầu: 3 con A+, trong đó có một con của chính cô S, dẫn tới những kỳ sau tôi dễ dàng đăng ký 4 courses mà ko ai nói gì. Nếu ko có nghĩa vụ phải làm 20h/tuần cho khoa thì ko khéo tôi dám chơi lên 5 courses/kỳ chứ chả đùa 🙂

Khóa học quan trọng nhất mà tôi học cô S (cô chuyên về L2 writing) là L2 Methods, một trong những môn cốt lõi buộc phải học với những ai mộng thành giáo viên tiếng Anh chuyên nghiệp.

Với tính cách tưng tửng của mình, tôi nhiều lần bị cô nhận xét như tát nước vào mặt (ví dụ một số tư liệu tôi chọn để phát triển bài giảng mẫu là sexist, rồi thậm chí stupid). Nói gì thì nói cô S thuộc tuýp giáo viên nghiêm túc, truyền thống, có phần cứng nhắc và ko có mấy sense of humor, nên những materials bậy bậy khiến các bạn trong lớp TẠP cười hô hố bị cô đánh giá sexist & inappropriate là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, cô lại là người cho tôi cảm giác an toàn và tin cậy nhất khi tiếp xúc. Giáo sư Mỹ thường rất cẩn trọng với "political correctness". Họ có thể rất nice với bạn, nhưng bạn ko bao giờ dám chắc họ thật sự nghĩ về bạn thế nào.

Cô S là ngoại lệ, cô nghĩ gì, cô nói (đốp) thẳng vào mặt bạn. Lời nói thật khó nghe, nhưng theo thời gian tôi thấy cô thực lòng quan tâm đến tiến bộ của học trò. Và có vẻ như, ấn tượng của cô trò về nhau cùng thay đổi.

Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều rất nắng hôm đó, đang vác hộ cô một chồng sách từ thư viên về khoa thì cô tự nhiên quay sang bảo tôi "We are lucky to have you here!"

Phản xạ đầu tiên của tôi ko phải là sướng, mà là hơi đờ ra "Is she high on something?"

Nói xong cô S quay sang nhìn tôi cười và nụ cười của cô TỎA NẮNG. Theo đúng nghĩa đen của từ này!

Ý nghĩ tiếp theo của tôi "Am I high on something???"

Tóm lại, sau bao nhiêu lần bị phũ, lời khen của cô đương nhiên khiến tôi sướng cả tuần sau đó.

Chỉ sợ bạn ấy học xong thấy đúng là... lời như đồn.

Vì thế khi chuẩn bị hồ sơ xin học tiếp PhD, cần 3 thư giới thiệu, tôi nhờ cô viết một, tin chắc mình sẽ có một LOR mạnh từ cô. Cô cũng rất tử tế giúp tôi đánh bóng lại CV và SOP (câu nói đầu tiên của cô khi nhìn ảnh tôi chèn trong CV vẫn theo phong cách hắt nước quen thuộc: "You look like a kid. Can't you get a decent picture???" hehe. Giờ mỗi lần bị cô phũ, cảm giác luôn như bị mẹ hay bà dì khó tính ở nhà mắng).

Nhưng rồi sát hạn nộp hồ sơ, cô S, với bản tính thẳng và nóng như lửa của mình, đã có một cuộc cãi cọ dữ dội với trưởng khoa và đùng đùng bỏ việc, ngay trong ngày thu dọn đồ đạc và rời đi thành phố khác (nghe bảo là về chỗ con gái).

Lý do cãi nhau là gì thì trong khoa mỗi người xầm xì một kiểu, nhưng cái khiến tôi choáng chính là: ko liên lạc được với cô (tôi chỉ có email của cô ở trường mà hình như cô ko check). VÌ ko chắc cô có nhớ gửi LOR đi ko, tôi phải tìm gấp người viết LOR thay thế vào phút cuối.

Bí quá, tôi chạy lên nhờ advisor của mình. Ông này tuy không dạy tôi môn nào (chuyên ngành của ông là classical literature), nhưng được khoa phân để tư vấn cho tôi từ những ngày đầu nhập học: ví dụ mỗi học kỳ nên chọn học cái gì, phân bố thời gian ra sao v.v... Ông cũng là người viết email thông báo trước khi tôi được Texas Tech chấp nhận và cho học bổng RA. Tin rằng ông là một trong những người trong khoa nắm rõ về tôi nhất, viết LOR ko có gì khó khăn, tôi lại choáng tập 2 khi ông từ chối.

Ông bảo đại ý là tất nhiên tao có thể viết cho mày LOR, nhưng tao ko dạy mày môn nào, tao ko thể cung cấp thông tin gì có giá trị hơn những điều mà người ta đã thấy trong bảng điểm và CV của mày. Để thư giới thiệu thật sự có ý nghĩa, mày cần giáo sư đã dạy mày ít nhất một lớp hay làm nghiên cứu cùng.

Nguồn giáo trong khoa đã cạn, tôi ko còn lựa chọn nào khác là viện đến giáo khoa ngoài. Tôi nhờ cô C bên khoa English vì tôi học cô 2 môn (một môn chính thức và một môn audit). Mặc dù quan hệ cô trò rất tốt nhưng trước tôi không có ý định nhờ vả vì người khoa khác thiếu cảm giác "người nhà".

Chuyện này kết thúc hóa ra lại tốt đẹp hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi đủ lý do để tin rằng bức thư của cô C đóng một vai trò quan trọng giúp tôi chiến thắng học bổng giá trị khoảng 250.000 USD của Georgetown sau này.

Theo như cô G, giáo sư của khoa tôi về sau cho biết, cô C hóa ra lại thuộc hàng top linguist đang lên của Mỹ tại thời điểm đó (nhưng không thuộc phân ngành tôi nên tôi ko nghe tiếng hay đọc bài bao giờ), đẳng cấp cũng phải ngang ngửa với các giáo trường Georgetown nơi tôi định xin vào. Vì thế thư giới thiệu của cô có sức nặng hơn rất nhiều so với các giáo kém danh tiếng hơn. Thêm đó, cô có cho tôi xem một vài đoạn cô viết và tôi vẫn còn nhớ được câu: Đây là một ứng viên có tiềm năng thành công trong bất kỳ chương trình PhD nào anh ta muốn tham gia, không riêng gì Linguistics. Nếu một giáo sư hàng đầu nói về bạn như thế trong thư giới thiệu, bạn thật sự rất may mắn.

PS. Tôi còn nhớ một kỷ niệm khá cute với cô C: một lần cô vào lớp với cánh tay bó bột. Cô bảo: cô cưỡi ngựa bị ngã. Nhưng sự thật theo bọn cùng lớp thông tin: cô dự party do đám sinh viên Nga tổ chức. Chắc do nốc quá nhiều vodka, cô say rồi trèo lên bàn nhảy, rồi có cưỡi cái gì đó (nhưng chắc chắn ko phải là ngựa) và bị ngã gãy tay. Biết chuyện rồi, cả lớp đều nhìn cô với cái nhìn thông cảm: tổ cha con ngựa nó dám hại cô.

Quay trở lại nhân vật chính là cô S, một điểm khác biệt trong lớp học của cô là có những hôm mùa thu trời nắng hanh và gió nhẹ, cô hứng lên cho cả lớp ra sân ngồi. Chưa đầy 5 phút, lớp đã chia thành hai mảng rõ rệt. Đám Âu Mỹ chọn chỗ trống nhất, khoan khoái duỗi tay duỗi chân, ngồi ngửa cổ phơi nắng trong khi đám châu Á túm tụm chen chúc nhau dưới mấy gốc cây lơ thơ tán lá để tránh nắng càng nhiều càng tốt 🙂

Cô ơi, đôi khi em vẫn nhớ đến cô, lớp học 2 mảng của có, và cả nụ cười tỏa nắng của cô.

Link tới part 2: https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/co-oi-em-nho-co-part-2.html

Texas xa rồi, Texas ơi https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/texas-xa-roi-texas-oi.html

Class FAQ: https://vuenglishclass.blogspot.com/2020/10/class-faq.html

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học