Cô ơi em nhớ cô (part 2)

Được các giáo sư ở Texas Tech khá nuông chiều, tôi lên Georgetown với mong chờ các giáo sư ở đẳng cấp học thuật còn cao hơn cũng sẽ nice như thế. Tuy nhiên tại đây tôi đã gặp được một người để lại cho tôi nhiều ấn tượng đáng sợ nhất, tạm gọi là cô A, một giáo sư cực kỳ nổi tiếng trong chuyên ngành Applied Linguistics với một số lượng đáng nể sách, bài nghiên cứu và research grants.

Nằm trong top candidate list (gồm 8 người, ứng với 8 suất học bổng toàn phần của năm đó), tôi được mời trước đến trường (bao vé máy bay ăn ở) để thăm quan, gặp gỡ các giáo và bạn đồng môn tương lai trước khi quyết định (thực ra đi thăm quan cho có, tranh thủ để biết luôn Washington DC thế nào, chứ GT cho tôi nhiều tiền nhất, lại là trường tầm cỡ Ivy League, việc chọn trường này là no-brainer).

Ấn tượng của tôi về cô A khi mới tiếp xúc lần đầu trong chuyến đi trên: quá đon đả.

Học kỳ đầu tiên, tôi là đứa duy nhất có double advisors: cô A và một nam giáo sư khác, cả hai người cùng nhận hướng dẫn tôi. Sounds like an honor right?

Nhưng vào trong chăn mới biết chăn có rận.

Học bổng của tôi có điều kiện ràng buộc: tôi phải làm một tuần 15h cho trường (ít hơn hồi ở Texas 5h). Học kỳ đầu tiên tôi thành RA (research assistant) của cô A.

Các giáo sư khác trong khoa thường khá thoáng về kiểm soát thời gian, nhưng cô A thì khác. Cô yêu cầu mỗi RA hay TA (teaching assistant) của mình lập bảng chấm công trên file Excel theo mẫu có sẵn và ghi lại toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến nhiệm vụ cô giao. Ngay cả nếu mất 5p viết email cho cô, khoảng thời gian đó cũng cần được ghi lại, làm sao cuối tuần cộng lại cho đủ 15h (thiếu thì tuần sau làm bù).

Thời điểm này tôi bắt đầu hóng được những tin tức nội bộ về việc cô A đối xử với đám RA/TA của cô thế nào. Một con bé học PhD người Úc, người vừa bảo vệ luận án thành công và đang làm thủ tục rời trường (i.e., không còn gì phải ngại cô) đã bảo tôi: thời gian đầu bà ta sẽ cực kỳ tử tế, ngọt ngào với mày, it's all kissie-kissie, cho đến khi bà ta nắm chắc được mày trong lòng bàn tay (nguyên văn nó nói là: ‘till she can twist you around her little finger)

Có những kỳ 5 RAs của cô A, mỗi người viết một chương khác nhau cho cùng một cuốn sách và mọi người bàn tán với nhau: trong số công trình đồ sộ đã xuất bản, thật sự tự tay cô viết được bao nhiêu phần.

Cuối mỗi kỳ, RA/TA được yêu cầu nộp bản nguyện vọng: kỳ sau muốn làm loại công việc gì và với giáo sư nào, được tối đa 3 lựa chọn. Khoa sẽ cố gắng sắp xếp cho vừa lòng càng nhiều người càng tốt.

Nhưng những đứa được việc đã "rơi vào tay cô A" phản hồi trực tiếp cho tôi: bất kể tao đưa nguyện vọng thế nào, rốt cuộc vẫn tiếp tục được phân về với cô, 2-3 năm rồi đều thế. Đủ biết thế lực của cô trong khoa lớn thế nào.

Lúc tôi lên thăm quan trường, được phân ở nhờ một đêm tại phòng một thằng Hàn, cũng diện học bổng 5 năm như tôi. Nó lúc đấy là năm 4 rồi, đang trong giai đoạn viết luận án. Đồng chí Hàn này, cũng xuất thân giáo viên tiếng Anh, có đặc điểm nổi bật là: mở miệng ra câu nào là idiom câu đấy, đến bọn Mỹ cũng phải nể :)

Lệch năm quá nhiều nên chúng tôi ko học chung lớp nào cả. Nhưng do mối quan hệ “một đêm” ngay từ đầu nên gặp nhau trong khoa vẫn cười nói hỉ hả. Nó là đứa từ khi bước chân vào trường cho đến khi tốt nghiệp, chỉ làm TA duy nhất cho cô A và hướng dẫn luận án tốt nghiệp cũng là cô luôn. Ngủ tại phòng nó, quá nửa đêm vẫn thấy sáng đèn, lạch cạch gõ gõ. Hỏi viết gì? “đang làm nốt một book chapter cho giáo” :)

Quay lại chuyện của tôi: do tôi có background chuyên nghiệp về lập trình và quản trị mạng, kỳ đầu cô A giao cho tôi phát triển hệ thống quản lý thiết bị dạy học cho khoa. Khối lượng công việc không ít và mặc dù tôi vẫn nộp chấm công hàng tuần, cô A dần cảm thấy tận dụng tôi chưa đủ.

Cô bắt đầu giao cho tôi thêm việc, trong đó mất thời gian nhất và tẻ nhạt nhất là transcribing (nghe các đoạn hội thoại thu từ đối tượng nghiên cứu và gõ lại từng câu một).

Chịu đựng một thời gian, thời gian làm lấn sang thời gian học, tôi bắt đầu phản đối ra mặt: việc giao cho tôi vượt quá mức cho phép.

Lúc này thái độ của cô A thay đổi hẳn: cô nói lập trình cái phần mềm kia làm gì mất đến 15h một tuần, chồng cô là giáo sư về computer science nên đừng có tìm cách qua mặt cô, cô có cách kiểm tra.

Kiểm tra thì kiểm tra, tôi sợ quái gì. Các bạn đừng thấy tôi hay tươi cười, đùa cợt trong lớp hoặc trên FB mà nghĩ rằng tôi thuộc dạng khéo, dễ nương theo ý người khác nhé. Một khi bước vào tranh luận nghiêm túc, lúc đó bản chất của tôi mới thực sự thể hiện. Nếu tôi thấy mình đúng, không ai có thể ép tôi làm điều mà tôi không muốn.

Tôi lập tức nhã nhặn mời cô bảo chồng cô đến thăm lab để tôi tranh thủ "học hỏi thêm". Bị thách, cô lập tức nhờ (không phải chồng) mà một giáo sư dạy Computational Linguistics trong khoa xuống làm việc trực tiếp với tôi.

Sau khi nghe tôi trình bày khối lượng việc đã hoàn thành gần xong (từ need analysis, database design, platform selection & server set-up, đến sơ đồ thuật toán, interface templates rồi programming code phần client/giao diện cho người dùng, phần server/xử lý hậu trường, rồi kết nối giữa client-server-database được thực hiện ra sao - một hệ thống nhỏ nhưng hoàn thiện từ front-end đến back-end), ông giáo kia trợn tròn mắt "Mày hoàn thành tất cả những cái này chỉ trong có 15h/tuần???" (and on top of some stupid, tedious transcripts, sir!)

Đó là lần cuối cùng cô A sai tôi làm thêm bất kỳ việc gì khác. Chấm công tôi gửi, cô còn ko thèm trả lời luôn. Một quãng thời gian thật đáng sống trong sự ghẻ lạnh của cô.

Điều tuyệt vời hơn là: sang kỳ sau, tôi thoát khỏi cô hoàn toàn, một đi ko trở lại (trong khi tất cả những đứa RA cùng tôi kỳ trước vẫn tiếp tục được cô dìu dắt). Thay vì tôi, cô chọn một con bạn người Mỹ khá thân với tôi vì học cùng cả 3 courses kỳ 1. Kết cục của nó xem ở phần dưới.

Tôi trở thành một dạng hero ngầm trong khoa lúc ấy (mấy năm sau chúng bạn còn nhắc chiến tích thằng Vũ dám stand up to that.... lady). Giờ nghĩ lại làm sao chúng biết thì chắc chỉ có ông giáo Computational Ling kia đi buôn chứ tôi không hề kể cho ai trong khoa nghe.

Thực tình mà nói, tôi thấy mình tư tưởng kiểu Chí Phèo nhiều hơn là anh hùng. Không phải định một mình chống mafia để bảo vệ công lý, mà chỉ nghĩ: tưởng cho học bổng mà to à. Chèn ép quá ông về VN đi dạy tiếng Anh 🙂

Nếu tôi về Việt Nam đi dạy tiếng Anh ngay từ năm đó thì giờ ra sao nhỉ?

Những năm còn lại của quãng đời PhD tôi gần như không chạm mặt cô A, chỉ học cô đúng một lớp Method (dùng sách giáo khoa do cô "viết", of course). Lớp đó cô lại vừa sinh cháu thứ 2 nên nghỉ cũng kha khá, bài tập phần lớn là do 2 TAs chấm. Một lý do khác là càng về sau tôi càng thiên về text analysis trong khi cô A chuyên nghiên cứu mảng giao tiếp (như cô vẫn nói: nghiên cứu về dạy nghe nói "sexy" hơn viết).

Cơn khủng hoảng có tên cô A cuối cùng của tôi là đợt QP2.

Như phần lớn các chương trình PhD lớn, trước khi vào vòng bảo vệ đề cương rồi viết luận án, mỗi PhD candidate đều phải kinh qua 2 QPs (qualifying papers). QP1 chỉ cần có bài ở tầm trình bày tại hội thảo chuyên ngành. QP2 cần có bài viết đủ tầm để đăng trên tạp chí chuyên ngành.

Bạn cần pass QP1 sau năm đầu tiên, và QP2 sau 2-3 năm nữa. Nếu bạn failed QP1, bạn sẽ lập tức bị loại khỏi chương trình. Còn nếu bạn failed QP2, bạn được phép thử thêm lần nữa trong 1-2 năm tiếp theo. Failed tiếp là chắc chắn bị loại.

Nếu bạn chưa đủ tầm học PhD, việc bị loại ngay từ QP1 chính ra là điều may mắn. Bạn chỉ mất 1 năm để chuyển hướng. Nhưng nếu bị loại ở QP2 sau 2 lần thất bại, bạn đã tốn từ 4-6 năm cuộc đời trong chương trình PhD để rồi làm lại từ đầu. Thật sự tôi thấy ko cam lòng khi một con bạn người Hàn Quốc sau 6 năm vẫn phải tay trắng ra đi 😞

Khi biết một trong hai giám khảo xét duyệt QP2 của tôi là cô A, lòng tôi dao động với biên độ khá lớn. Tôi ko còn Chí Phèo được như năm 1 nữa, hẳn do sắp đến đích rồi nên giờ được/mất quá lớn.

Nhớ lại chuyện con bạn người Mỹ kỳ 2 năm 1 làm RA cho cô rồi cũng có chuyện mâu thuẫn với cô (đừng bắt chước tôi thế chứ) và kết quả là QP1 bị đánh trượt (QP1 chỉ cần một giám khảo chấm, mà nó quả báo thế nào gặp đúng cô), khóc với tôi khi rời khỏi chương trình "I don't deserve this" :(

"Do I deserve this?" Tôi tự nhiên thấy có chút thương cho thân phận bèo nước của mình.

Giám khảo 1 đã passed rồi mà mấy ngày vẫn chưa thấy cô A phản hồi kết quả. Cả tôi, cả supervisor của tôi đều hồi hộp (vì tôi chuẩn bị làm tiếp một dự án quan trọng cho bà này liên quan đến dạy modal verbs bằng phương pháp Cognitive Linguistics).

Nhưng cuối cùng nhận được kết quả với dòng chữ viết tay loằng ngoằng của cô mà giờ tôi vẫn nhớ nguyên văn "Passed, but barely!" hehe.

Trong trí tưởng tượng phong phú của tôi, nhiều khả năng cô về hỏi chồng. Chồng bảo: em chấp thằng ranh con ấy làm gì. Cho nó tốt nghiệp về VN sớm, mình càng đỡ ngứa mắt.

Cô ơi, em thật sẽ nhớ cô suốt đời.

Link tới part 1: https://vuenglishclass.blogspot.com/2021/08/co-oi-em-nho-co-part-1.html

Link tới part 3: https://vuenglishclass.blogspot.com/2023/08/co-oi-em-nho-co-part-3.html

Class FAQ: https://vuenglish.com/

Comments

Popular posts from this blog

Class FAQ

Lịch đăng ký và khai giảng lớp mới

Chương trình học